An Giang xóa “điểm nghẽn” về hạ tầng

18/05/2023 07:07

Một trong những trăn trở của Đảng bộ An Giang là sớm tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” kiềm chế sự phát triển tỉnh nhà. Trong đó, hạ tầng giao thông yếu kém là vấn đề trầm trọng, kéo dài nhiều năm nay.

Lãnh đạo tỉnh thị sát công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

 

Phát huy nội lực

Hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư, kết nối giao thông với các tỉnh lận cận, nông sản làm ra được tiêu thụ dễ dàng. Nhận thức được điều này, trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh phát huy tính năng động, sáng tạo, tranh thủ nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài để khắc phục hạn chế. Giai đoạn 2010 - 2015, An Giang xây dựng đề án xã hội hóa cầu giao thông nông thôn. Nhờ vậy, gần 200 cây cầu gỗ, cầu sắt (xuống cấp trầm trọng) được thay thế bằng cầu treo, cầu bê-tông cốt thép, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

“Trước đây, khi gia đình có người bị bệnh, từ nhà đến bệnh viện chỉ có cách duy nhất là đi xuồng. Có khi, chưa đến bệnh viện, người bệnh đã qua đời. Nay, việc di chuyển bệnh nhân bằng xe ôtô rất tiện lợi, nhanh chóng, cứu được nhiều người trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, bà con rất vui mừng” - bà Nguyễn Thị Tím (ngụ xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Còn nhớ, vào những năm 2006, 2007 - thời điểm thịnh vượng của cá tra - nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong và ngoài nước có ý định về An Giang khai thác thế mạnh ngành hàng này. Song, họ gặp rất nhiều trở ngại, như: Cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn; nhiều cây cầu trên Quốc lộ 91 (đoạn từ TP. Châu Đốc về cảng An Giang) không đảm bảo tải trọng cho container 40 feet đi qua. Vì vậy, họ về TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp để đầu tư, trong đó có các tập đoàn lớn. Thực tế đó đòi hỏi An Giang phải sớm xóa “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông để đưa tỉnh nhà phát triển.

Tranh thủ ngoại lực

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, hiện nay, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Vấn đề còn lại là đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh, thành phố trong khu vực, thông qua các công trình mang tính trọng tâm, trọng điểm, như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu bắc qua sông Hậu, sông Tiền, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên… Đây là những công trình có vốn đầu tư lớn, cần sự hỗ trợ của Trung ương.

Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết ra đời như luồng gió mới thổi vào ĐBSCL, nhanh chóng vực dậy tiềm năng, lợi thế của vùng đất vốn có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nuôi thủy sản nước ngọt lẫn nước mặn để xuất khẩu, du lịch sinh thái… Và An Giang cũng được hưởng lợi rất nhiều từ nghị quyết này.

“Từ Nghị quyết, tuyến đường liên kết vùng TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, nối An Giang với Kiên Giang và các địa phương khác trong khu vực được triển khai. Khi dự án hoàn thành, Tân Châu không còn là “ốc đảo”, chúng tôi rất kỳ vọng địa phương phát triển nhanh hơn” - ông Trần Văn Thệ (ngụ xã Long Thạnh) chia sẻ.

Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc, dài khoảng 1.166km. Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc, dài 575km; 3 tuyến cao tốc trục ngang, dài 591km. An Giang có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua, góp phần khơi thông “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tạo kết nối với các trục giao thông trong vùng, giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng và của tỉnh ngày càng phát triển.

Dự kiến, ngày 30/4/2024, cầu Châu Đốc sẽ được khánh thành. Hiện nay, nhà thầu đang thi công vượt tiến độ, cam kết thông xe vào cuối năm 2023. Đối với tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, nhà thầu cam kết đến ngày 20/8/2023 (nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng), công trình này sẽ thông xe kỹ thuật, cuối năm đưa vào sử dụng. Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khởi công (đầu tuyến tại TP. Châu Đốc) trước ngày 30/6/2023, giai đoạn 1 dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026.

Như vậy, trong tương lai không xa, An Giang sẽ xóa được “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tiền đề quan trọng để đưa tỉnh phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới