An Giang ứng phó giông, lốc mùa mưa bão
16/11/2023 14:56
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra giông, lốc xoáy, sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhằm ứng phó hiệu quả với thời tiết mưa bão phức tạp, khó lường, An Giang tăng cường các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Nhiều thiệt hại
Khoảng 18 giờ, ngày 31/10 trên địa bàn huyện An Phú xảy ra mưa giông, lốc xoáy làm tốc mái 27 căn nhà, không thiệt hại về người. Trong đó, 12 căn tốc mái từ 30 - 50%, 15 căn tốc mái dưới 30%, tổng thiệt hại trên 170 triệu đồng. Ngay khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt để hỗ trợ, động viên người dân bị ảnh hưởng…
Trước đó, mưa giông, lốc xoáy xảy ra tối 1/11 trên địa bàn TX. Tịnh Biên gây thiệt hại hơn 280 căn nhà tại các địa phương: An Cư, An Nông, Tân Lợi, Văn Giáo; không có thiệt hại về người. Trong đó, An Cư là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất, với 267 căn nhà bị sập, tốc mái. Giông lốc còn làm cây cối và nhiều diện tích lúa, hoa màu ngã đổ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng đến thăm, động viên các hộ dân ở TX. Tịnh Biên. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TX. Tịnh Biên khẩn trương huy động lực lượng, phối hợp các ngành kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống…
Theo Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (BĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, thiệt hại do giông, sét đánh làm chết 2 người và bị thương 2 người. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ mưa, giông, làm 651 căn nhà bị sập, tốc mái, thiệt hại hơn 10,3 tỷ đồng.
Mưa, giông làm đổ, ngã hơn 1.274ha lúa, hoa màu, trong đó lúa 1.232,29ha, hoa màu 41,72ha. Xảy ra 88 vụ sạt lở, răn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 4.193m. Sạt lở, sụt lún ảnh hưởng đến 95 căn nhà, 2 kho trấu, 2 lò sấy, 1 nhà máy xay xát lúa gạo, 1 xí nghiệp chế biến lương thực xuất khẩu và 4 nhà kho; ước thiệt hại về đất hơn 8,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, xảy ra 2 vụ sạt lở đá núi trên địa bàn huyện Thoại Sơn và TX. Tịnh Biên. Cụ thể, từ ngày 17 - 20/8, trên địa bàn huyện Thoại Sơn xảy ra sạt lở đá núi Ba Thê, có 6 hòn đá lớn, nhỏ (nặng khoảng 20 tấn) rơi xuống, gây cản trở cho người dân và phương tiện đi lại trên núi…
Vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 3/10, trên tuyến đường chính lên, xuống núi Cấm (tại khu vực tổ 7, ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) đã xảy ra vụ sạt lở đất, đá làm sạt ta-luy đường và sập rào chắn lưới B40, diện tích ảnh hưởng ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m, khối lượng đất đá khoảng 40 - 60m3, ảnh hưởng giao thông nửa mặt đường.
UBND TX. Tịnh Biên, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Tịnh Biên, chính quyền xã An Hảo phối hợp Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm tiến hành khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất hướng xử lý… Về hướng xử lý lâu dài, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh kiến nghị các sở, ngành tỉnh hỗ trợ khắc phục nơi đá bị sạt lở và các khu vực có khả năng sạt lở nguy hiểm, đảm bảo người dân, du khách và phương tiện đi lại thuận tiện…
Chủ động ứng phó
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang Lương Huy Khanh (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi), để phòng ngừa, ứng phó mưa, giông, lốc trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (mưa, giông, sét, lũ, sạt lở đất...) và cách phòng tránh để người dân chủ động. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chằng, chống nhà ở an toàn trước giông, lốc theo khuyến cáo của Bộ Xây dựng; thực hiện thường xuyên trên Zalo, Facebook và trên báo, đài...
Hướng dẫn gia cố, chằng chống kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc. Các địa phương chủ động kiểm tra, sửa chữa máy bơm kịp thời bơm tiêu chống úng cho lúa, hoa màu, cây ăn trái trong mùa mưa lũ.
Đối với sạt lở, sụt lún đất, thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực cảnh báo sạt lở, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, kể cả các tuyến kênh, rạch. Kịp thời phát hiện để có hướng xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, sụt lún, có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng Nhân dân. Di dời công trình, vật kiến trúc, chặt hạ cây to trong khu vực; điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường, đê trên các khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở.
Huy động và sử dụng, nguồn lực địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai, các nguồn lực hợp pháp khác hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai chưa được quan tâm đúng mức, nhất là: Tự ý đào đất lòng kênh đắp nền nhà, tạo lạch sâu để lưu thông phương tiện của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dẫn đến gia tăng nguy cơ sạt lở trên các tuyến kênh, rạch...
Đối với lũ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lũ, bão, áp thất nhiệt đới để chủ động ứng phó với lũ lớn, lũ lên nhanh… Có kế hoạch hiệp đồng lực lượng, phương tiện, vật tư, bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, học sinh…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Tỉnh ủy An Giang gặp gỡ Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Paraguay
Kích cầu tiêu dùng cuối năm
Những người “lấy mật” thốt nốt
Hương cốm dẹp Bảy Núi
Chú trọng bảo vệ người dân trên không gian mạng
Chống buôn lậu, hàng giả lĩnh vực nông nghiệp
Nỗ lực bảo tồn lúa mùa nước nổi
Vun đắp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Lắng nghe trẻ em nói
Biến tiềm năng, thế mạnh thành động lực tăng trưởng