An Giang thực hiện tốt pháp lệnh người có công
04/09/2024 15:40
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, sự chỉ đạo sâu sát về chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp UBMTTQVN và tổ chức chính trị - xã hội, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Chăm lo nhà ở cho người có công với cách mạng
Tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH). Hội nghị là dịp để rà soát lại quy định pháp lý, kết quả thực hiện, cũng như xác định những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật về xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân, gia đình người có công. Qua đó, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp kiến nghị phù hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chính sách ưu đãi người có công.
Pháp lệnh 20/2020/PL-UBTVQH13, ngày 9/12/2020 về ưu đãi người có công cách mạng có nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ đối với người có công, thân nhân, gia đình người có công. Đồng thời, bổ sung 2 chương mới: Chương 3 quy định về công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Chương 4 quy định về nguồn lực thực hiện.
Chính phủ ban hành Nghị định 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công; 2 Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công (số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021, số 55/2023/NĐ-CP, ngày 21/7/2023).
Nhìn chung, các nghị định triển khai pháp lệnh đã hoàn thiện và phù hợp thực tiễn. Các trợ cấp ưu đãi, đặc biệt là chế độ một lần được điều chỉnh tăng, như: Điều dưỡng chăm sóc sức khỏe, thờ cúng liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, người có công giúp đỡ cách mạng..., góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, đảm bảo an sinh xã hội, nhận được sự đồng thuận của người có công và Nhân dân.
Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, hơn 3 năm qua, phong trào chăm sóc đời sống người có công trên địa bàn tỉnh chuyển biến tốt. Các cấp ủy Đảng luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công, đặc biệt trong việc xác nhận và thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời, minh bạch chế độ, chính sách ưu đãi cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần, đời sống họ từng bước được cải thiện và nâng lên ngày càng tốt hơn.
Toàn tỉnh hiện có trên 40.000 hồ sơ người có công, gần 6.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, chi trả 1 lần hàng năm khoảng 10.000 người, còn lại đã hưởng chế độ liên quan theo quy định. Bên cạnh đó, mỗi năm thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho trên 90.000 người có công; chi trả chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo niên hạn gần 3.000 trường hợp; trên 350 người hưởng phương tiện trợ giúp, trợ cấp dụng cụ chỉnh hình; trên 200 hồ sơ ưu đãi giáo dục và đào tạo… với số tiền gần 250 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 quy định ngân sách tỉnh hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với mỗi người có công là 1 triệu đồng; Nghị quyết 27/2023/NQ-HĐND, ngày 7/12/2023 quy định mức chi thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã giải quyết dứt điểm 100% hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408, được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” xác nhận liệt sĩ. Đồng thời, hoàn thành đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên 6.400 căn nhà, góp phần ổn định đời sống người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly thông tin, năm 2020, tỉnh đã hết hộ nghèo là người có công. Tuy nhiên, khi ban hành theo chuẩn nghèo mới đa chiều, qua rà soát, toàn tỉnh có 392 trường hợp rơi vào hộ nghèo. Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định để vừa hỗ trợ cất nhà, hỗ trợ kinh phí và giúp đỡ nhiều mặt khác một cách quyết liệt. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh còn 57 hộ nghèo là người có công, phấn đấu trong năm nay sẽ xóa nghèo dứt điểm.
Mới đây, tỉnh An Giang và 19 tỉnh, thành phố phía Nam tham dự Hội nghị sơ kết tình hình thi hành các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Ông Châu Văn Ly khẳng định, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 131/2021/NĐ-CP, An Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt các văn bản của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH để đảm bảo cho người có công trên địa bàn tỉnh hưởng chế độ đầy đủ. Đồng thời, mong rằng Nghị định 131/2021/NĐ-CP sớm được bổ sung để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, giúp thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách phù hợp với người có công trong tình hình mới.
Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”- là truyền thống tốt đẹp luôn được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn tri ân và thực hiện trách nhiệm đối với những cống hiến và hy sinh to lớn của anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng...
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội