An Giang tháo gỡ khó khăn giải ngân chương trình dân tộc

28/10/2023 17:26

Chiều 27/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh An Giang năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước kết luận buổi làm việc

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển các vùng còn khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của tỉnh còn chậm hơn cả nước, mới đạt tỷ lệ khoảng 24% so tỷ lệ 53,7% của cả nước trong 9 tháng.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan (chương trình mới, hướng dẫn chưa đồng bộ, rải rác nhiều dự án) thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, có nguyên nhân bố trí kế hoạch vốn không sát yêu cầu; một số chủ đầu tư chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt, không kịp thời báo cáo vướng mắc để xử lý sớm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các chủ đầu tư bám sát mục tiêu giải ngân 100% vốn kéo dài từ năm 2022 sang; giải ngân tối thiểu 90% nguồn vốn bố trí năm 2023. Các địa phương rà soát kỹ lại kế hoạch vốn, tổng hợp đề xuất, báo cáo Ban Dân tộc để gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh.

Từng sở, ngành, UBND cấp huyện căn cứ mục tiêu đề ra, xây dựng kế hoạch chi tiết hàng tuần, hàng tháng, các tháng cuối năm, tăng cường kiểm tra cơ sở để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; họp giao ban thường xuyên giữa Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành và địa phương để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phối hợp thực hiện hiệu quả. Trong đó, có công tác rà soát kế hoạch vốn để điều chỉnh phù hợp.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn An Giang gần 188,8 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương hơn 167,9 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương gần 20,9 tỷ đồng); tổng kế hoạch vốn sự nghiệp gần 84,13 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương gần 76,33 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 7,8 tỷ đồng).

Năm 2022, vốn đầu tư phát triển phân bổ gần 38,25 tỷ đồng, vốn sự nghiệp phân bổ 23,34 tỷ đồng. Năm 2023, vốn đầu tư phát triển phân bổ gần 53,88 tỷ đồng, vốn sự nghiệp phân bổ hơn 66,26 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2023, lũy kế giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ 20,4%, vốn sự nghiệp giải ngân đạt tỷ lệ 22,4%.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới