An Giang tăng tốc phát triển kinh tế cuối năm

16/11/2023 12:49

Bức tranh kinh tế An Giang 9 tháng của năm 2023, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên. Những điểm nghẽn này nằm trong khó khăn chung của kinh tế cả nước. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 từ 7 - 7,5% theo nghị quyết của HĐND tỉnh thì tăng trưởng GRDP của quý IV phải đạt từ 8,8 - 9,5%. Đây là chỉ tiêu rất cao trong khi dự báo tình hình kinh tế còn diễn biến phức tạp.

Kinh tế phục hồi tích cực

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh (SXKD), tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Các tổ công tác của UBND tỉnh trực tiếp làm việc với địa phương, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Xử lý kịp thời, hiệu quả khối lượng lớn các nhiệm vụ, công việc thường xuyên và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Công tác cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được đẩy mạnh; tích cực triển khai Đề án 06/CP. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia…

Cùng với đó, tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

 

Khai thác nhu cầu tiêu dùng thương mại - dịch vụ những tháng cuối năm

 

“Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, với một số kết quả nổi bật. Tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 9 tháng đạt 6,41%, đứng thứ 28 cả nước và đứng thứ 5 trong khu vực ĐBSCL. Đánh giá tổng thể chung của nền kinh tế, khu vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp tăng trưởng GRDP cao hơn cùng kỳ” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Đối với 2 khu vực còn lại (công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ) có phần sụt giảm và tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so cùng kỳ, đây là mức tăng khá cao sau khi các ngành sản xuất từng bước phục hồi thời kỳ hậu COVID-19 kéo dài.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này (từ tháng 9/2022 đến 8/2023), lãi suất ngân hàng cho DN vay tăng rất cao (dao động từ 15 - 16%/năm). Điều này làm gia tăng giá cả hàng hóa, từ đó làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị sản xuất (GO) nhưng không tạo ra nhiều về giá trị tăng thêm (VA) nên sự đóng góp vào tăng trưởng GRDP không cao.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đối với nguồn vốn xã hội đạt thấp do khó khăn của nền kinh tế (điều này thể hiện qua vốn đăng ký kinh doanh của DN giảm 13,66%; DN ngừng hoạt động tăng 16%; đơn vị trực thuộc ngừng hoạt động tăng gần 12%...); đối với nguồn vốn Nhà nước thông qua giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 88,63%, 9 tháng năm 2023 đạt 57%). Do nguồn vốn đầu tư xây dựng giảm nên thiếu nguồn lực hỗ trợ cho tăng trưởng của khu vực này trong nền kinh tế.

Quyết tâm đạt kết quả cao nhất

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, để giữ vững kết quả đạt được, những tháng còn lại năm 2023, UBND tỉnh sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để thực hiện đạt kết quả cao nhất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; phấn đấu tăng trưởng GRDP quý IV cao hơn quý III để bình quân cả năm đạt cao hơn nữa; tạo đà thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH của năm 2024 và giảm áp lực cho những năm tiếp theo, phấn đấu đạt những chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với kết quả cao nhất.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng ở 3 lĩnh vực: Công nghiệp, tiêu dùng thương mại - dịch vụ - du lịch, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, gia tăng sản lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp lễ, Tết trong nước và thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Ngành công thương phối hợp ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Bên cạnh đó, khai thác nhu cầu tiêu dùng thương mại - dịch vụ - du lịch thông qua các chương trình khuyến mãi, kích cầu, giao thương hàng hóa… Vì vậy, quý IV là thời gian cao điểm của hoạt động thương mại - dịch vụ, do đó các ngành công thương, du lịch, xúc tiến phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả lĩnh vực này. Đặc biệt, tăng nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế, thông qua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

 

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm

 

UBND tỉnh tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm giải ngân vốn; điều chỉnh danh mục và vốn đầu tư đối với các công trình chậm tiến độ; bổ sung vốn cho các công trình giải ngân vốn tốt, vượt tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn xử lý ngay vấn đề khó khăn về nguồn cát và vật liệu xây dựng để hỗ trợ cho ngành xây dựng tăng trưởng.

“UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác phát triển KTXH giữa tỉnh An Giang với tỉnh Đồng Tháp, Tuyên Quang và dự kiến với TP. Hồ Chí Minh; mở rộng ký kết hợp tác với tỉnh Kiên Giang và TP. Cần Thơ. Đây là cơ hội tốt để mở rộng giao thương, xúc tiến đầu tư, liên kết hợp tác DN với các địa phương trong vùng và cả nước, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới