An Giang quyết tâm thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì dân phục vụ

01/01/2025 09:09

Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được triển khai quyết liệt để nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cụm từ "cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" được sử dụng lần đầu tiên trong bài viết “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 5/11/2024. Tiếp sau đó, hàng loạt văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các phát biểu quan trọng của cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được chuyển hóa thành những kế hoạch hành động khẩn trương, nhất quán trong cả nước, trong đó có An Giang.

Quyết sách chiến lược

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế thừa, phát huy những thành quả đạt được qua thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp đã chỉ đạo thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là một quyết sách chiến lược, thể hiện tầm nhìn sâu rộng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy thực sự “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn mới.

Điểm đột phá chiến lược của việc tinh gọn bộ máy lần này là Trung ương quyết định bắt đầu thực hiện từ trên xuống, không tiến hành thí điểm, cũng không hội thảo, bàn bạc quá nhiều nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của. Trung ương yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị bắt tay vào thực hiện ngay, định mốc thời gian hoàn thành những nội dung công việc rất rõ ràng theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Đây không chỉ đơn thuần là cắt giảm về số lượng, “thay cũ đổi mới” hay “loại bỏ cái cũ để xây dựng cái mới” một cách cứng nhắc; thay vào đó, cuộc cách mạng này cần được hiểu như một quá trình tái cấu trúc và tối ưu hóa nguồn lực, kiên quyết tinh gọn chức năng chồng chéo, tạo ra một bộ máy vận hành hiệu quả, minh bạch và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Do đó, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này thực sự là bước đi lịch sử, tạo nền tảng cho một bộ máy Nhà nước “Tinh gọn, thông minh, hiệu quả”, tạo ra một hệ sinh thái quản trị hiện đại, minh bạch và hướng tới người dân, trong đó mọi cơ chế vận hành đều phải đặt trọng tâm vào phục vụ lợi ích công. Đây là sự thay đổi không chỉ ở cấu trúc tổ chức mà còn ở cách chúng ta tiếp cận và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân trong bối cảnh mới. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây không chỉ là “cải cách”, mà là một cuộc “cách mạng”. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta trong việc vượt qua những rào cản cũ, tư duy cũ để tạo động lực đưa đất nước tăng tốc tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. 

An Giang quyết tâm tinh gọn tổ chức bộ máy

 

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang

 

Với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, vừa chạy vừa xếp hàng”, An Giang quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, đồng thời chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Cụ thể, ngay trong tháng 12 năm 2024, An Giang tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đúng tiến độ và thật sự chất lượng. Quá trình tổng kết phải đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Trung ương và tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian...

Xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của tỉnh

Căn cứ kết quả tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, An Giang sẽ tập trung xây dựng các đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và hiệu quả, gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Kết thúc hoạt động của 8 đảng đoàn, 3 Ban Cán sự Đảng trực thuộc Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

- Thành lập Đảng bộ Cơ quan Đảng, đoàn thể, Hội đồng nhân dân và Tư pháp tỉnh; Đảng bộ chính quyền tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn trong tổ chức, hoạt động của ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy hiện nay.

- Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; chuyển giao chức năng, nhiệm vụ cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm.

- Sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo cấp ủy tỉnh, cấp ủy cấp huyện nhằm tăng cường sự phối hợp, thống nhất trong công tác dân vận, tuyên truyền của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận xã hội.

- Sáp nhập các cơ quan thuộc HĐND tỉnh, đầu mối bên trong Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, cụ thể: Hợp nhất Ban Dân tộc và Ban Văn hóa - Xã hội, hợp nhất Phòng Công tác Quốc hội và Phòng Công tác Hội đồng nhân dân. Việc sáp nhập giúp thống nhất đầu mối, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc của cơ quan dân cử.

- Sáp nhập, giảm 6 sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, giảm bớt đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính. Cụ thể:

+ Sáp nhập Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Kinh tế - Tài chính nhằm quản lý thống nhất về tài chính và đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài chính công, điều hành kinh tế, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực hiệu quả.

+ Sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải thành Sở Xây dựng và Giao thông nhằm tăng cường sự phối hợp trong quản lý, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

+ Sáp nhập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Môi trường nhằm quản lý thống nhất về nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, giúp giải quyết các vấn đề liên quan mang tính tổng thể, bền vững.

+ Sáp nhập Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Khoa học Công nghệ và Truyền thông nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực thông tin truyền thông, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

+ Sáp nhập Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành Sở Nội vụ và Lao động nhằm tinh gọn bộ máy; đồng thời, điều chỉnh một số chức năng quản lý Nhà nước đảm bảo phù hợp, cụ thể: Chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế; chuyển Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) về Ban Dân tộc và thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

+ Sáp nhập nguyên trạng Sở Ngoại vụ vào Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ tương tự như cấp tỉnh.

- Rà soát, kết thúc hoạt động, sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng:

+ Giải thể Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, cụ thể: Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại về Sở Công Thương; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thuộc lĩnh vực xúc tiến du lịch về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuyển chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thuộc lĩnh vực xúc tiến đầu tư về Sở Kinh tế - Tài chính.

+ Sáp nhập nguyên trạng Ban Quản lý du lịch Núi Cấm (thuộc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh) vào Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

+ Sáp nhập Báo An Giang (đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy do ngân sách đảm bảo phần lớn chi thường xuyên), Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang (đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh tự chủ 100% chi thường xuyên), các cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh và cổng thông tin điện tử của tỉnh từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.

+ Các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại sẽ nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy từng đơn vị, đảm bảo tiêu chí thành đơn vị sự nghiệp công lập và tiêu chí lập phòng, khoa, bộ phận tương đương, số lượng cấp phó của mỗi đơn vị phòng, khoa và tương đương theo quy định.

+ Sáp nhập Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông, Nông nghiệp và Ban Quản lý Dự án đầu tư và Khu vực phát triển đô thị thành Ban Quản lý Dự án tỉnh.

+ Sắp xếp lại các quỹ tài chính Nhà nước ở địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm hoạt động thiết thực, hiệu quả trong quản lý tài chính công.

- Rà soát, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, cơ bản không duy trì các chi cục (trừ trường hợp thật sự cần thiết), tinh gọn phòng ban trực thuộc sở, ban, ngành; bố trí cấp phó theo đúng quy định; tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc...

Với quyết tâm chính trị cao và tinh thần chủ động, quyết liệt, thần tốc, Tỉnh ủy An Giang nghiêm túc chấp hành những chủ trương, quyết sách, chỉ đạo của Trung ương, nhất là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; sắp xếp, bố trí, điều chuyển nhân sự… bảo đảm các điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, các đảng bộ khối cấp tỉnh; thành lập các đảng bộ sau khi có chủ trương của Trung ương; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư các đảng ủy; ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc của đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh và đảng ủy chính quyền cấp tỉnh sau khi Ban Bí thư ban hành quy định...

Giải pháp thực hiện

 

 

Để tạo sự thống nhất, thông suốt, đồng thuận của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chính trị tư tưởng; công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong tình hình mới. Chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, hiệu quả, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

2. Thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, kiên định, quyết tâm, theo đúng đường lối của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kế hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị  quyết số 18-NQ/TW tỉnh. Làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ, kịp thời dự báo những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội có thể nảy sinh để chủ động làm công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội. Tích cực, khẩn trương, quyết liệt thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở gắn với tinh giảm biên chế, loại bỏ những vị trí không cần thiết, những công việc không hiệu quả, cắt bỏ những khâu trung gian, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực then chốt, những người thật sự xứng đáng và phù hợp. Quá trình triển khai thực hiện phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động được ngay, không để ngắt quảng công việc, không để khoảng trống về thời gian, khoảng trống về địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, của người dân”.

3. Công khai, minh bạch trong quá trình sắp xếp, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức

Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy luôn là bài toán khó, bởi nó không chỉ liên quan đến vị trí, chức vụ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và động lực làm việc của đội ngũ cán bộ. Do đó, quá trình thực hiện phải thật sự công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, không thiên vị, giữ chân được cán bộ có năng lực.

Cần tiêu chí công bằng và minh bạch trong sắp xếp cán bộ, khi sắp xếp cần xét đến phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, kết quả công tác và sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong bộ máy mới. Quy trình này phải đảm bảo tính khách quan, tránh sự thiên vị và tuyệt đối không lợi dụng để cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế.

 Những cán bộ thực sự có năng lực, phẩm chất, tâm huyết cần được trọng dụng, dù vị trí công việc có thay đổi. Đối với những cán bộ phải “giảm chức vụ” hoặc chuyển đến các vị trí công tác mới, cần có chế độ đãi ngộ vượt trội, tạo cơ hội thăng tiến và tái sắp xếp trong tương lai.

Ngoài ra, cần lắng nghe và giải quyết thấu đáo các ý kiến, tâm tư của cán bộ bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp. Một sự động viên kịp thời, một lời giải thích hợp lý sẽ giúp cán bộ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu.

4. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các đề án; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tiêu cực trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Có thể nói, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, mà trực tiếp thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tỉnh An Giang sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhằm phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là tỉnh trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới