An Giang phát triển nguồn nhân lực, phục vụ ngành kinh tế mũi nhọn
30/11/2023 07:10
Để tháo gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025. Bước đầu, công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của An Giang đạt một số kết quả tích cực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn bước đầu đạt một số kết quả thiết thực; số lượng, chất lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Xác định việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với phát triển KTXH của tỉnh, 2 năm qua, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch (DL).
Tập huấn kỹ năng giao tiếp, chăm sóc du khách cho cán bộ, nhân viên, người dân làm du lịch
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền coi việc phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách và lâu dài; đặt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh và từng địa phương; tăng cường công tác dự báo về diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực; có chính sách điều tiết quy mô và cơ cấu đào tạo phù hợp nhu cầu phát triển KTXH, khắc phục tình trạng mất cân đối và lãng phí trong đào tạo.
Theo nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành tỉnh luôn cố gắng, nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn 2, kế hoạch hàng năm theo các nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả 2 năm (2021 - 2022), đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 22.064 người (đạt 34% kế hoạch giai đoạn 2). Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với quá trình đổi mới chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong đó tập trung nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ảnh: THANH HÙNG
Dự kiến giai đoạn 2021 - 2023, tổng số nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đào tạo, bồi dưỡng trên 21.000 người, đạt 55,73% so kế hoạch giai đoạn 2 (2021 - 2025). Trong đó, nguồn nhân lực công trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến được đào tạo, bồi dưỡng 2.550 người, đạt 62,73% so kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công trong lĩnh vực NN&PTNT giai đoạn 2. Nguồn nhân lực xã hội trong lĩnh vực NN&PTNT dự kiến được đào tạo, bồi dưỡng trên 18.500 người, đạt 54,88% so kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực xã hội trong lĩnh vực NN&PTNT giai đoạn 2.
Nhân lực phục vụ phát triển DL dự kiến giai đoạn 2021 - 2023, tổng số nhân lực phục vụ phát triển DL được đào tạo, bồi dưỡng 2.420 người, đạt 45,11% so kế hoạch giai đoạn 2. Trong đó, nguồn nhân lực công phục vụ phát triển DL dự kiến được đào tạo, bồi dưỡng 1.400 người, đạt 58,95% so kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công phục vụ phát triển DL giai đoạn 2; nguồn nhân lực xã hội phục vụ phát triển DL được đào tạo, bồi dưỡng 1.020 người, đạt 34,11% so kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực xã hội phục vụ phát triển DL giai đoạn 2.
Lãnh đạo tỉnh quan tâm, chăm lo phát triển nguồn nhân lực trong học sinh phổ thông
Nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông dự kiến giai đoạn 2021 - 2023, đã đào tạo, bồi dưỡng 16.380 người, đạt 74,97% so kế hoạch giai đoạn 2. Trong đó, tổ chức 140 lớp dạy học tăng cường kỹ năng nghe - nói tiếng Anh cho học sinh Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa, với 4.900 học sinh được bồi dưỡng, đạt 70% so kế hoạch. Bên cạnh đó, còn tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh theo chuẩn quốc tế tại 11 trường THPT trọng điểm trên địa bàn tỉnh, với 242 lớp, 10.890 học sinh, đạt 73,33% so kế hoạch. Tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho 590 học sinh các trường THCS và THPT.
“Nhìn chung, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc các ngành đóng vai trò là nền tảng, động lực cho phát triển của tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, góp phần tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, hội nhập quốc tế. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thể hiện tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là linh hoạt trong tổ chức thực hiện và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí.
Vì vậy, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công và nguồn nhân lực xã hội thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU được điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Qua đó, góp phần thu hút nhân tài, nâng cao chất nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTXH của tỉnh trong những năm tiếp theo” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và chăm lo hộ nghèo vui Xuân, đón Tết
Xóm cá ven dòng Vĩnh Tế
Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Kiềm chế tội phạm hiệu quả
An Giang tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn công tác mặt trận
Mang theo ma túy, thuốc lắc gặp công an bỏ chạy
Thông xe cầu tạm vào xã Vĩnh Phước
Mời gọi thay sơn mới cho “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo