An Giang giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

27/10/2021 07:32

9 tháng của năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn An Giang là 108,82 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Trong đó, 4/11 huyện có tỷ số giới tính khi sinh trên 110 là huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú và cao nhất là Tri Tôn (115,58 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh sống). Đáng lo ngại, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các địa bàn trong tỉnh.

 

 

Tư vấn trực tiếp cho người dân

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang, những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn vẫn thể hiện rõ trong đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Hệ lụy của tình trạng này do nhu cầu phải đẻ cho được con trai dẫn tới sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư giữa các vùng, khiến có nơi thiếu lao động, có nơi thừa lao động. Điều này dẫn đến sự di dân ngày càng nhiều về các tỉnh, thành phố lớn. Nam giới khó lấy vợ, từ đó đưa đến mất cân bằng trong đời sống. Dẫn đến tình trạng bạo hành giới; buôn bán phụ nữ gia tăng; một bộ phận nam giới kết hôn muộn hoặc không có khả năng kết hôn... làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai.

Sự chênh lệch giới tính nghiêng về phía nam giới đã làm cho một số ngành nghề vốn là đặc thù của nữ giới sẽ phải rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, như: điều dưỡng, hộ lý, giữ trẻ, nuôi dạy trẻ, giúp việc nhà... Ngoài ra, chất lượng dân số giảm, do hậu quả của nạo phá thai để lựa chọn giới tính; tình trạng sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng...

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang Văn Kim An cho biết: “Để hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, hàng năm, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường truyền thông về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân nhằm chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và nhà nước, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình, nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái”.

Bên cạnh đó, tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, như: Điều 7, Pháp lệnh Dân số 2003 quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; Điều 10, Nghị định 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Điều 9, Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Nghị định 104/2003/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Tiếp tục sử dụng bộ nhận diện cho các hoạt động và sản phẩm truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Các nội dung này được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, hoạt động văn hóa - văn nghệ; tư vấn vãng gia thăm hộ gia đình; duy trì hoạt động các mô hình dân số, các câu lạc bộ: “Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và bình đẳng giới”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”... Các cơ quan đơn vị treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền: “Thực hiện bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cần bằng giới tính khi sinh”, “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”; “Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên”, “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội. Các ngành chuyên môn tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức của mỗi người dân về công tác bình đẳng giới; thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nguồn: baoangiang.com.vn