Việt Nam và Cuba mở rộng hợp tác nuôi tôm công nghệ cao
05/05/2025 07:43
Bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, tình hữu nghị Việt Nam - Cuba vẫn không ngừng được vun đắp thông qua những dự án hợp tác thiết thực, điển hình là mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao tại tỉnh Camagüey.
Đây là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, không chỉ góp phần nâng cao năng suất thủy sản mà còn mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành thuỷ sản Cuba.
Chu kỳ sản xuất đầu tiên triển khai từ năm 2024 đã ghi nhận những kết quả ấn tượng. Chỉ sau 121 ngày, 5 hồ nuôi thí điểm tại khu vực Santa Cruz del Sur thuộc tỉnh miền Trung Camagüey đã cho thu hoạch 20 tấn tôm, đạt năng suất 4 tấn/ha, con số đáng khích lệ trong bối cảnh ngành thủy sản Cuba đang gặp nhiều khó khăn.
Thành công này có sự đóng góp quan trọng của đoàn chuyên gia Việt Nam với 4 kỹ sư giàu kinh nghiệm đồng hành cùng kỹ thuật viên Cuba trong suốt quá trình triển khai dự án.
Trên cơ sở những kết quả khả quan ban đầu, hai bên đang tích cực mở rộng quy mô dự án lên 10 ha tại Camagüey, với kỳ vọng đạt sản lượng 45 tấn trong nửa cuối năm 2025. Đáng chú ý, công nghệ nuôi tôm tiên tiến của Việt Nam đang được áp dụng toàn diện, từ hệ thống máy sục khí, lọc nước hiện đại đến quy trình chăm sóc bằng thức ăn chất lượng cao.
Ông Miguel Antonio Manso Díaz, Trưởng bộ phận sản xuất thuộc Đơn vị Cơ sở Cultisur, Santa Cruz del Sur, chia sẻ: “Chu kỳ sản xuất thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 4 với diện tích 5 ha. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng 10/30 hồ nuôi với mật độ thả 100 con/m², hướng tới năng suất 900-1.000 kg/ha”.
Không dừng lại ở Camagüey, mô hình hợp tác này đang được nhân rộng tại các tỉnh trọng điểm như Villa Clara (miền Trung) và Pinar del Río (miền Tây), mang lại hiệu quả thiết thực trong bối cảnh Cuba nỗ lực vượt qua những khó khăn do cấm vận. Dự án không chỉ giúp nâng cao năng suất nuôi trồng mà còn tạo cơ hội chuyển giao công nghệ toàn diện, từ kỹ thuật nuôi trồng đến quản lý sản xuất.
Thách thức lớn nhất không còn là khoảng cách địa lý hay khác biệt ngôn ngữ, mà là làm thế nào để nhân rộng mô hình trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Câu trả lời nằm ở tinh thần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của các chuyên gia hai nước.
Những lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc”, những đêm thức trắng điều chỉnh hệ thống, hay những lần cùng nhau thử nghiệm thức ăn mới - tất cả đã trở thành chất xúc tác cho thành công hôm nay.
Dự án hợp tác này đang mở ra triển vọng mới cho ngành thủy sản Cuba, không chỉ giải quyết vấn đề an ninh lương thực mà còn tạo tiền đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Việt Nam, giấc mơ về “con tôm xóa đói” đang dần thành hiện thực, mang lại công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Cuba đang từng bước làm chủ công nghệ nuôi tôm hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tự chủ trong sản xuất thủy sản. Thành công của dự án một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cuba, đồng thời mở ra chương mới trong hợp tác kinh tế-kỹ thuật giữa hai nước trên tinh thần cùng có lợi và phát triển bền vững.
Các bài viết cùng chuyên mục
Thuế quan của Mỹ: Quyền tiếp cận thuốc của người Canada bị đe dọa
Thủ tướng Malaysia đề cao mối quan hệ với Singapore sau chiến thắng vang dội của PAP
So sánh các khuôn khổ hòa bình của phương Tây cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
Lầu Năm Góc cắt giảm 20% sĩ quan cấp cao trong quân đội
Người di cư di chuyển về khu vực biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Trump công bố chương trình cấp tiền cho người nhập cư trái phép tự rời Mỹ
Kỳ vọng của cử tri Australia đối với Công đảng
Tại sao Trung Quốc có thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ thời Trump?
Algeria ngưỡng mộ hành trình phát triển kỳ diệu của Việt Nam
Mexico - Việt Nam: 50 năm quan hệ ngoại giao và những bước tiến vượt bậc