Về cuộc gặp hiếm hoi giữa Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc

07/07/2022 16:06

Một trong những chủ đề có thể sẽ đưa ra thảo luận trong cuộc gặp song phương cấp ngoại trưởng Mỹ-Trung Quốc là quan điểm ủng hộ đối với Moskva của Bắc Kinh.

 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Rome ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dự kiến có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị G20 tổ chức tại Bali (Indonesia) tuần này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 5/7 cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp người đồng cấp Vương Nghị để tìm ra phương thức kiểm soát sự cạnh tranh của hai nước và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác trong bối cảnh căng thẳng song phương gia tăng trên nhiều mặt trận.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, cho hay mục tiêu của Washington là đạt được những biện pháp với Bắc Kinh để ngăn sự cạnh tranh giữa hai nước không rơi vào tình trạng đối đầu hoặc tính toán sai lầm.

Về phần mình, trong một tuyên bố cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nêu rõ hai quan chức ngoại giao cấp cao sẽ trao đổi quan điểm về hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung cũng như các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken có thể sẽ đề cập đến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai cường quốc, bao gồm cuộc khủng hoảng khí hậu, sức khỏe toàn cầu và ngăn chặn dòng chảy buôn ma túy xuyên quốc gia. Ngoài một số cuộc điện đàm, ông Blinken và Vương Nghị đã từng gặp mặt trực tiếp hai lần trên cương vị ngoại trưởng.

Tháng trước, ông Nicholas Burns, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, mô tả quan hệ Mỹ-Trung đã xuống “mức thấp nhất” trong 50 năm, trong bối cảnh gia tăng tranh chấp về vấn đề thương mại, nhân quyền, công nghệ, Đài Loan và sức ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phản ứng trước những cam kết gần đây của Ngoại trưởng Vương Nghị với các quan chức của một số quốc đảo Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi các thỏa thuận "ngầm" với các quốc gia này để mở rộng phạm vi an ninh trong khu vực.

Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng hai bên có thể hạ nhiệt khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc dỡ bỏ một số thuế quan thương mại mà người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.

 

Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng được cho là tiếp nối cuộc đàm phán trực tuyến tổ chức vào ngày 5/7 với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Bộ trưởng Yellen từng nói việc giảm thuế quan có thể giúp chống lại lạm phát tăng vọt ở Mỹ, mặc dù những người khác trong chính quyền Mỹ bao gồm Đại diện Thương mại Katherine Tai nhấn mạnh thuế quan tạo một “đòn bẩy đáng kể” cho Washington. Bên cạnh chiến tranh thương mại, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã khởi động một nỗ lực nhằm hạn chế sức ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh ở châu Á thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Phát ngôn viên Price tiết lộ trong thời gian gặp gỡ các đối tác trong khuôn khổ G20, Ngoại trưởng Blinken sẽ củng cố cam kết của Washington trong việc đối đầu với các thách thức toàn cầu như mất an ninh lương thực và năng lượng, cũng như mối đe dọa từ xung đột Ukraine đối với trật tự quốc tế. Chủ đề này dự kiến ​​có trong chương trình nghị sự với Ngoại trưởng Vương Nghị.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Trung Quốc chưa từng lên án cũng như đã bỏ phiếu chống nghị quyết đình chỉ Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ).

Nhiều tuần sau chiến dịch, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định mối quan hệ hai nước vẫn "vững chắc" và kêu gọi các quốc gia phương Tây tôn trọng "mối quan ngại an ninh hợp pháp" của Moskva. Nhà chức trách cũng đã gặp người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov hồi tháng 3. Trong cuộc hội đàm, cả hai quan chức đều chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga.

Nguồn:baotintuc.vn