Trung Quốc phản đối Mỹ 'phong tỏa công nghệ' giữa cuộc chiến bán dẫn
04/01/2024 08:09
Tuyên bố này được đưa ra vài tuần sau khi một quan chức Mỹ cho biết sẽ có “cách tiếp cận rất tích cực và sáng tạo” để chống chiến lược công nghệ của Trung Quốc.
Theo trang mạng Breakingdefense.com ngày 3/1, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ sau khi có thông tin rằng Washington đã gây áp lực buộc Hà Lan hạn chế xuất khẩu máy móc liên quan đến sản xuất chất bán dẫn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói với các phóng viên hôm 2/1: “Trung Quốc phản đối việc Mỹ thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và dùng đủ mọi lý do để ép buộc các nước khác tham gia phong tỏa công nghệ Trung Quốc” .
Theo người phát ngôn trên, chất bán dẫn là một ngành có tính toàn cầu hóa cao. Do đó, trong nền kinh tế thế giới hội nhập sâu rộng, các hành vi của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế, làm suy yếu cấu trúc ngành bán dẫn toàn cầu, tác động đến an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế.
Trong một tuyên bố đầu tuần này, công ty ASML của Hà Lan cho biết giấy phép xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc đã bị chính phủ Hà Lan thu hồi một phần, gây ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Quốc. Công ty cho biết họ đã thảo luận với Chính phủ Mỹ về các quy định xuất khẩu gần đây liên quan đến thiết bị sản xuất chip, được gọi là thiết bị in thạch bản, và cam kết tuân thủ các luật liên quan.
Là nhà cung cấp thiết bị in thạch bản tiên tiến hàng đầu thế giới cung cấp cho các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới thiết bị để sản xuất hàng loạt mẫu trên silicon, công ty ASML của Hà Lan đã bị đẩy lên vị trí trung tâm trong “cuộc chiến chip” do Mỹ dẫn đầu chống Trung Quốc.
ASML đặc biệt đề cập đến các quy tắc xuất khẩu mới được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo công bố vào ngày 17/10 năm ngoái.
Các khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến - được hỗ trợ bởi siêu máy tính, được xây dựng dựa trên chất bán dẫn tiên tiến - gây lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ vì chúng có thể được sử dụng để cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định, lập kế hoạch và hậu cần quân sự. Chúng cũng có thể được sử dụng cho chiến tranh điện tử, radar, tín hiệu tình báo và gây nhiễu”, theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ.
Ngoài nỗ lực to lớn và tốn kém nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một số bước để cố gắng ngăn chặn công nghệ tiên tiến nhất lọt vào tay Trung Quốc.
Vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Raimondo nói trong một cuộc họp gồm các quan chức quốc phòng và các nhà lãnh đạo ngành rằng Mỹ đang thực hiện “cách tiếp cận rất tích cực và sáng tạo” để chống chiến lược công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là khi nói đến chip hỗ trợ trí tuệ nhân tạo.
“Chúng ta đi trước Trung Quốc vài năm. Chúng ta không thể để họ đuổi kịp. Vì vậy, chúng ta sẽ từ chối cho họ tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất của chúng ta”, bà Raimondo nêu rõ tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hy Lạp trưng bày cổ vật ngay trong ga tàu điện ngầm
Một số quận ở Ấn Độ đóng cửa trường học do mưa lớn khi bão Fengal tiến gần
FED dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI
EU thúc đẩy chính sách tài khóa chặt chẽ hơn từ năm 2025
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay