Tình cảnh tại thành phố biên giới nơi gần nửa dân số Gaza đang sống chen chúc

08/01/2024 07:47

Khi Ghada Abu Samra rời khỏi căn phòng ở Rafah, nơi cô, mẹ và anh trai sống trong tình cảnh luôn phải tìm kiếm thức ăn và nước sạch, sinh viên phát triển web 24 tuổi này thấy ngày càng có thêm nhiều người Gaza khác kéo đến nơi đây.

Chú thích ảnh

Người dân bị mất nhà cửa trong các cuộc xung đột sơ tán tới khu lều tạm ở Rafah, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Abu Samra đã ở Rafah được nhiều tuần, chia sẻ: “Con số này tăng lên chóng mặt mỗi ngày. Không có chỗ, ngoại trừ việc ngồi trên đường phố và dựng lều”.

Theo tờ New York Times, gần như toàn bộ 2,3 triệu cư dân của Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa sau gần ba tháng Israel không kích và ra lệnh sơ tán. Rafah từng là thành phố với 300.000 dân, nay trở thành nơi ẩn náu chính cho những người phải di dời.

Tuần này, Liên hợp quốc cho biết hơn một triệu người đang bị dồn vào Rafah, một góc nhỏ của khu vực biên giới với Ai Cập.

Mọi người nỗ lực tìm kiếm vật liệu để làm những chiếc lều tạm bợ nhất, trải dài thành hàng trên nền cát. Theo Liên hợp quốc, tình trạng khốn khổ càng trở nên trầm trọng hơn do sự dịch bệnh lây lan và hệ thống y tế quá tải. Thành phố này cũng không an toàn bởi các cuộc không kích đang nhắm đến toàn bộ Gaza.

Trung tâm Al Mezan, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Gaza, lưu ý trên mạng xã hội rằng với dân số ngày càng đông tại Rafah, nguy cơ nhiều người thiệt mạng trong một cuộc tấn công là rất cao. Cơ quan y tế Gaza ngày 5/1 cho biết hơn 160 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích trên khắp Gaza trong 24 giờ trước đó. Số người tử vong trong 3 tháng qua đã vượt quá 20.000 trường hợp, nhiều trong số họ là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 4/1, văn phòng truyền thông của chính quyền Gaza cho biết các cuộc tấn công của Israel vào sáu địa điểm ở Rafah đã giết chết hàng chục người trong ba ngày trước đó.

“Rafah không an toàn chút nào. Hôm qua, ba quả tên lửa đã bắn trúng con đường tôi đi qua hàng ngày, khiến 10 người thiệt mạng. Tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Bạn không biết tiếp theo sẽ đến lượt ai”, Abu Samra nói và cho biết thêm rằng gia đình cô đã phải di dời bảy lần kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát.

Chú thích ảnh

Cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Israel tại Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 26/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Nhưng vẫn còn nhiều người khác được cho là sẽ sơ tán đến Rafah. Theo Liên hợp quốc, vào ngày 3/1, quân đội Israel đã thả truyền đơn xuống hai khu nhà ở thành phố Deir el-Balah, nơi có 4.700 người ở trung tâm Gaza, yêu cầu họ rời đi.

Ông Mohammed Shaath (68 tuổi), kỹ sư đã nghỉ hưu ở thành phố Khan Younis đang giúp đỡ một nhóm nhóm phân phối viện trợ tại Rafah cho biết: “Tình hình ở Rafah hoàn toàn khốn khổ. Không có cm trống nào. Lều ở khắp mọi nơi. Và khi nói đến lều, ý tôi không phải là những chiếc lều phù hợp mà mọi người quen thuộc. Nó đơn giản là bất cứ thứ gì che được đầu cho mọi người”.

Mọi người có đăng ký nhận lều từ Liên hợp quốc hoặc Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine (PRCS), nhưng thường mất nhiều thời gian và họ không thể chờ đợi, đặc biệt là trong mùa Đông khắc nghiệt. Do đó, nhiều người sử dụng xà gỗ, nhựa và nilông cũ từ các nhà kính gần đó để dựng nơi trú ẩn tạm bợ. Ông Shaath nói rằng việc tìm vật liệu để tạo nơi trú ẩn đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người ở Rafah.

Ông Shaath chia sẻ đang chuẩn bị cùng gia đình chuyển đến Rafah mặc dù không biết sẽ sống ở đâu. Ông nói rằng quân đội Israel gần đây đã cảnh báo người dân khu phố gần nhà ông ở Khan Younis và những người lánh nạn ở đó hãy sơ tán.

Ông tâm sự: “Tôi không có lựa chọn nào khác cho bản thân và gia đình. Họ sẽ ném bom ở Khan Younis. Tôi không lo lắng về bản thân mình. Tôi đã 68 tuổi rồi. Tôi lo lắng về bọn trẻ. Chúng là tương lai”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Nguồn baotintuc.vn
 
Viết bình luận mới