Thượng viện Nga phê chuẩn hiệp ước đối tác chiến lược với Triều Tiên
07/11/2024 16:07
Phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin, ngày 6/11, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua luật phê chuẩn Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên. Hiệp ước đã được ký tại Bình Nhưỡng hôm 19/6/2024 nhằm làm sâu sắc quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Theo các tài liệu kèm theo luật mới, việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước là vì lợi ích cơ bản của người dân hai nước và góp phần vào hòa bình, an ninh và ổn định khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, hiệp ước quy định rằng trong trường hợp có nguy cơ về một hành động xâm lược vũ trang chống lại một trong hai bên, hai bên sẽ tổ chức tham vấn để phối hợp quan điểm của mình và thống nhất các biện pháp khả thi để hỗ trợ lẫn nhau.
Cụ thể, “nếu một trong hai bên bị một quốc gia hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật quốc gia của mình”.
Đồng thời, Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên cam kết không ký kết các thỏa thuận với quốc gia thứ ba nhằm chống lại một trong hai bên, đồng thời không cho phép quốc gia thứ ba sử dụng lãnh thổ của mình để vi phạm chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của bên kia. Thỏa thuận cũng bao gồm các điều khoản liên quan đến hợp tác thiết lập trật tự thế giới mới đa cực công bằng và tạo ra các cơ chế cho các hoạt động chung nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các bên.
Hai nước nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường, phòng chống và cứu trợ thiên tai. Ngoài ra, các bên sẽ hỗ trợ phát triển hợp tác liên khu vực và xuyên biên giới, tăng cường liên hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, đồng thời hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế cũng như các thách thức và mối đe dọa khác.
Điều 16 của Hiệp ước quy định nghĩa vụ của các bên trong việc chống lại việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương mà việc áp dụng các biện pháp đó được coi là bất hợp pháp hoặc trái với Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế. Hiệp ước có hiệu lực kể từ ngày hai bên trao đổi văn kiện đã phê chuẩn.
Các bài viết cùng chuyên mục
Lý do Nga sử dụng tên lửa IRBM đáp trả việc Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa
Iran kích hoạt máy ly tâm mới nhằm đáp trả nghị quyết của IAEA
Cuộc sống bên trong ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Bitcoin lập kỷ lục mới, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
Lực lượng hùng hậu của Fox News trong nội các Trump 2.0
Bão tuyết ở Phần Lan khiến 80.000 hộ gia đình mất điện
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung khi thời điểm bế mạc gần kề
Nền kinh tế thời chiến của Nga đang chạm đến điểm giới hạn?
Tấn công liều chết tại Pakistan, ít nhất 12 binh sĩ tử vong
Sáng kiến 'đột phá' tại G20 hướng tới thế giới công bằng và bền vững