Thế giới tuần qua: Hướng tới một ASEAN tầm vóc, tự cường và năng động
10/09/2023 07:54
Với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh G20, động đất ở Maroc, Tổng thống Zimbabwe, Nga nêu điều kiện quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen,… là một số sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (4-10/9).
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 thành công tốt đẹp
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Jakarta (Indonesia) đã thành công tốt đẹp, khép lại năm ASEAN 2023 với nhiều kết quả thực chất, ấn tượng; tạo động lực và kỳ vọng mới cho ASEAN hướng tới hiện thực hóa “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng.”
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị. ( Ảnh: VGP) |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chứng kiến các chuyển động, biến động đa chiều, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, tăng trưởng chưa bền vững, thương mại phục hồi chậm, bất ổn địa chính trị ngày càng phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng.
Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan đã thông qua, ghi nhận 90 văn kiện, thể hiện một ASEAN chủ động, kiên cường và bản lĩnh; vượt qua những khó khăn, thách thức; đà xây dựng Cộng đồng ASEAN được giữ vững, tiếp tục ghi những dấu ấn hợp tác mới ở cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, tạo cơ sở và động lực cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn của ASEAN trong tương lai. Theo đó, đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6% trong năm 2023 và 4,9% trong năm 2024.
Với gần 20 hoạt động đa phương, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, với nhiều đề xuất định hướng quan trọng và sáng kiến thiết thực, đóng góp thực chất, hiệu quả vào thành công của Hội nghị, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập khu vực và đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 thảo luận về nhiều vấn đề nóng toàn cầu
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc vào ngày 9/9 tại New Delhi, Ấn Độ. Hội nghị năm nay đặt trọng tâm vào nỗ lực hàn gắn thế giới, để các quốc gia có thể cùng nhìn về một hướng, ứng phó với các vấn đề toàn cầu nổi lên trong thời gian gần đây như tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, lạm phát gia tăng, nợ nần và việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.
Nước chủ nhà Ấn Độ đã chọn chủ đề cho G20 năm này là "Một Trái đất, một gia đình, một tương lai", nhấn mạnh đến tính liên kết chặt chẽ sinh mệnh giữa các quốc gia trong thế giới ngày nay.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 9/9 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Sau ngày làm việc đầu tiên, lãnh đạo các nước đã đạt được đồng thuận và thông qua Tuyên bố Delhi. Tuyên bố dày 37 trang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp.
Tuyên bố dự tính một hiệp ước phát triển xanh cho một tương lai bền vững, ủng hộ các nguyên tắc cấp cao về lối sống để phát triển bền vững... Tuyên bố chung nêu rõ mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá.
Liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, tuyên bố kêu gọi tất cả các nước duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định. G20 khẳng định hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.
Hơn 1000 người thiệt mạng vì động đất ở Maroc
Động đất ở Maroc đã xảy ra vào lúc 23h00 đêm 8/9 (giờ địa phương), với tâm chấn tại dãy High Atlas, cách thành phố du lịch nổi tiếng Marrakech 72 km về phía Tây Nam. Động đất có độ lớn 6,8 theo thang độ mô-men làm rung chuyển nhiều thành phố tại Maroc, khiến nhiều tòa nhà đổ sập. Đây là trận động đất nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Maroc, gây thiệt hại trên diện rộng.
Bộ Nội vụ Maroc cho biết nhà chức trách đã “huy động mọi nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng”. Trung tâm Truyền máu khu vực tại thành phố Marrakesh đã kêu gọi người dân hiến máu cứu người bị thương.
Đây là trận động đất nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Maroc, gây thiệt hại trên diện rộng. Giáo sư tại Đại học College London (Anh), ông Bill McGuire cho biết: “Đây là trận động đất mạnh nhất trong hơn 120 năm qua tại đây”. Theo ông, nơi xảy ra động đất vốn hiếm khi ghi nhận các trận động đất mạnh nên các tòa nhà không được xây dựng phù hợp để chống chịu động đất.
Tính đến tối 9/9, Bộ Nội vụ Maroc thông báo số người thiệt mạng hiện là ít nhất 1.037 người và hơn 1.200 người bị thương.
Cộng đồng quốc tế đã gửi lời chia buồn tới Quốc vương, chính phủ và người dân Maroc, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này khắc phục hậu quả thiên tai. Các nhà lãnh đạo và tổ chức quốc tế trên thế giới đã gửi lời chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với Maroc sau trận động đất kinh hoàng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức
Ngày 4/9, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau khi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 tại thủ đô Harare ngày 4/9 (Ảnh: Reuters) |
Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Mnangagwa cam kết sẽ giúp hàng triệu người dân Zimbabwe thoát khỏi đói nghèo, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết sau cuộc bầu cử và vực dậy nền kinh tế ốm yếu.
Ngày 23/8 vừa qua, người dân Zimbabwe đã đi bỏ phiếu để bầu Tổng thống mới, các nghị sĩ và thành viên hội đồng địa phương. Ủy ban bầu cử Zimbabwe (ZEC) vào cuối ngày 26/8 tuyên bố đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của nước này.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Mnangagwa bắt đầu trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức khi đồng Zimdollar đã giảm giá trị khoảng 80% kể từ đầu năm trong khi nguồn vốn quốc tế vẫn bị đóng băng.
Tổng thống Mnangagwa, 80 tuổi, người kế nhiệm nhà lãnh đạo lâu năm Robert Mugabe sau cuộc đảo chính năm 2017. Trước khi cuộc bỏ phiếu có kết quả, nhiều người dự đoán ông Emmerson Mnangagwa sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai khi các nhà phân tích cho rằng cuộc tranh cử nghiêng hẳn về phía ZANU-PF, đảng nắm quyền lực ở Zimbabwe trong hơn 4 thập niên qua.
Nga nêu điều kiện quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Ngày 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã để ngỏ khả năng Moscow quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ngay khi các yêu cầu của nước này được đáp ứng.
“Chúng tôi sẵn sàng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc và sẽ thực hiện điều này ngay khi mọi hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga được gỡ bỏ” - ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Sochi của Nga. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba vào tháng 5/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ngày 4/9/2023, tại Sochi, Nga. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Putin cho biết, sản lượng thu hoạch ngũ cốc của Nga có thể đạt 130 triệu tấn trong năm nay và tiềm năng xuất khẩu của nước này vẫn sẽ duy trì ở mức 60 triệu tấn. Ông cũng cho biết Moscow không phản đối thỏa thuận ngũ cốc, song cảnh báo Ukraine không nên sử dụng hành lang xuất khẩu ngũ cốc cho mục đích quân sự.
Về phía Tổng thống Erdogan lưu ý rằng, hai bên đóng vai trò trung gian cho thỏa thuận ban đầu là Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã nghiên cứu một gói đề xuất mới. Nhà lãnh đạo này cũng đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các đề xuất sẽ khắc phục được những “thiếu sót” và giúp nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trong thời gian sớm nhất có thể.
Nhân cuộc hội đàm ngày 4/9, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thảo luận về quan hệ song phương trong các lĩnh vực thương mại và năng lượng, bao gồm cả việc cùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Theo thông tin từ ông Putin, tổ máy đầu tiên của nhà máy dự kiến sẽ được khởi động vào năm tới./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hơn một triệu người Ukraine sống trong cảnh mất điện giữa mùa đông khắc nghiệt
Hy vọng mới cho hòa bình Trung Đông
Thuế quan mới của ông Trump: Cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế châu Á
Tổng thống Palestine chỉ định người kế nhiệm tạm thời trong tương lai
Nga xây dựng hệ thống phòng không đa tầng để ứng phó tên lửa ATACMS
Hy Lạp trưng bày cổ vật ngay trong ga tàu điện ngầm
Một số quận ở Ấn Độ đóng cửa trường học do mưa lớn khi bão Fengal tiến gần
FED dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI