Những mặt hàng 'lạ' được coi là thiết yếu thời phong tỏa vì dịch COVID-19

05/04/2020 17:16

Khi nhiều nước áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc để phòng chống COVID-19, chỉ các cửa hàng bán đồ dùng thiết yếu mới được mở cửa. Tuy nhiên, quan điểm về hàng thiết yếu khác nhau ở mỗi nước.

 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Europeanbooksellers

Theo tờ The Economist, nhiều nhà bán lẻ đang đấu tranh để hàng hóa mình bán được coi là “thiết yếu”, có nghĩa là được bán trong thời kỳ phong tỏa. 

Các khu vực buôn bán hàng hóa chính trên thế giới được miễn trừ thực hiện yêu cầu đóng cửa khi có lệnh phong tỏa. Siêu thị, hiệu thuốc và ngân hàng được mở cửa ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Một số ngoại lệ khác phản ánh điều mà các chính trị gia cảm thấy cử tri không thể sống nếu thiếu mặt hàng đó.

Ví dụ như rượu. Dù bị cấm bán ở bang Pennsylvania (Mỹ) hay Ấn Độ nhưng các cửa hàng bán rượu không bị đóng cửa ở Pháp. Khu vực bán rượu Cavistes ban đầu có lệnh phải đóng cửa nhưng sau đó lại được phép mở cửa ngay cả khi Pháp thắt chặt lệnh phong tỏa. Ở Pháp, cửa hàng bán pho mát cũng được coi là cửa hàng bán thực phẩm.

Tại Hà Lan và bang California (Mỹ), giới chức vẫn cho bán cần sa. Doanh số bán cần sa ở California tăng gấp ba khi người dân phải ở nhà cách ly. 

Bỉ cho phép hiệu sách mở cửa. Ví dụ như hiệu sách Filigranes ở Brussels, chỉ một người được phép vào hiệu sách một thời điểm. Mọi người có thể đặt sách trước và tới nhận ở cửa vào. Nhân viên sẽ ra giá và chọn sách mà khách hàng cần.

Người dân Brussels có thể đề nghị hiệu sách chọn sách và giao tới tận nhà. Đây không phải là dịch vụ bình thường nhưng nhân viên hiệu sách Filigranes cho biết họ có thể làm bất kỳ điều gì trong khả năng để hỗ trợ những độc giả buồn chán khi ở nhà.

Tuy nhiên, ở Anh thì trái lại. Hiệu sách phải đóng cửa cho dù ông James Daunt, ông chủ chuỗi bán lẻ sách Waterstones, khiếu nại và cho rằng hiệu sách không khác gì siêu thị và hiệu thuốc.

Trái lại, khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire muốn miễn trừ cho các hiệu sách thì hiệp hội các nhà bán sách lại xin ông đóng cửa các nhà sách, đồng thời muốn ông cấm Amazon và siêu thị bán sách.

Tại Mỹ, với văn hóa súng đạn không giống nước nào, chính quyền của Tổng thống Donald Trump thậm chí còn coi súng là mặt hàng thiết yếu và cửa hàng bán súng được mở cửa trong khi các doanh nghiệp khác đều phải đóng cửa phòng dịch COVID-19.

Các tổ chức ủng hộ kiểm soát súng phản đối chính sách trên, cho rằng Mỹ đặt lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe người dân. Trong vài tuần qua, nhiều bang ở Mỹ có cách tiếp cận khác nhau với các cửa hàng bán súng khi nơi thì cho mở cửa, nơi thì yêu cầu đóng.

Các hiệu giặt khô và giặt là vẫn mở cửa như bình thường, kể cả ở New York. Tuy nhiên, hiệu cắt tóc không được phép mở cửa. Phần lớn châu Âu đều yêu cầu các tiệm cắt tóc và thợ cắt tóc ngừng hoạt động, dù lúc đầu Đức cho phép mở cửa.

Chú thích ảnh
Rượu được coi là hàng thiết yếu ở Pháp. Ảnh minh họa: lavoixdunord

Tổ chức thương mại của các thợ cắt tóc cũng kêu gọi chính phủ đóng cửa các tiệm cắt tóc, nói rằng thợ làm tóc hầu như không thể tránh tiếp xúc gần với khách hàng. Ngoài ra, đóng cửa tiệm còn có thể giúp giảm chi phí khi nhân viên tiệm cắt tóc được hưởng chương trình hỗ trợ của chính phủ. 

Hàn Quốc lại chưa từng yêu cầu đóng cửa các cửa hàng thương mại. Tuy nhiên, phòng tập thể dục và câu lạc bộ đêm nào muốn mở cửa phải đảm bảo có danh sách khách hàng và áp dụng quy tắc giữ khoảng cách giữa các khách hàng, nếu không, họ phải chị trách nhiệm trả tiền viện phí cho người nào bị nhiễm virus trong cơ sở của mình.

Nhưng nói chung, các cơ sở không bán thực phẩm dù có được mở cửa thì cũng rất ít khách. Khi toàn quốc bị phong tỏa, người dân phải ở nhà bận rộn chăm sóc con cái và làm việc từ xa nên không thể có thời gian mua sắm. Ngoài ra, nhiều người mất việc, mất thu nhập hoặc sắp mất việc, dẫn tới nhu cầu chi tiêu giảm hẳn.

Cho tới khi mọi thứ phục hồi như trước, nhiều cửa hàng khắp thế giới có thể sẽ muốn chính phủ hỗ trợ hơn là mở hàng cầm cự trong đại dịch COVID-19.

Nguồn: baotintuc.vn