Những khía cạnh có thể thay đổi và không thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung
20/12/2023 10:31
Ngoài một số triển vọng trong quan hệ hai nước, chiến lược “sân nhỏ, tường cao” mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu He Jun tại ANBOUND, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở chính tại Bắc Kinh, chuyên nghiên cứu chính sách công và có uy tín chuyên môn trong lĩnh vực dự báo chiến lược, giải pháp chính sách và phân tích rủi ro, trên mạng tin eurasiareview.com ngày 18/12, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại San Francisco vào tháng 11 năm nay, đã có một số dấu hiệu dịu bớt trong quan hệ giữa hai nước. Trong thế giới đầy biến động này, việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung sẽ làm giảm khả năng xảy ra xung đột giữa hai bên, đây là một diễn biến tích cực cho cộng đồng quốc tế.
Từ góc độ sức mạnh kinh tế, quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn là mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới. Sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ này có thể là biến số quan trọng nhất tác động đến thế giới. Các nhà nghiên cứu tại ANBOUND tin rằng khi đánh giá tình hình, chúng ta không nên quá lạc quan cũng như không quá bi quan. Thay vào đó, cần có sự phân tích khách quan và khoa học để thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh. Để đơn giản, chúng ta có thể xem xét mối quan hệ Mỹ-Trung từ hai khía cạnh: các yếu tố có thể thay đổi (triển vọng) và các yếu tố không thể thay đổi.
Vậy những khía cạnh nào trong mối quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ trải qua những thay đổi? Dựa trên các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước và những hành động tiếp theo của họ, những diễn biến tích cực được dự đoán trong các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, có kỳ vọng về việc khôi phục liên lạc quân sự cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, nối lại các cuộc gặp cấp chuyên viên giữa bộ quốc phòng của cả hai nước, khởi động các cuộc tham vấn về an ninh quân sự hàng hải giữa hai nước. Sau sự cố khinh khí cầu hồi đầu năm nay, liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc phần lớn đã bị đình chỉ. Do Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lúc bấy giờ nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, nhiều nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm tham gia đối thoại với những người đồng cấp Trung Quốc đã bị Trung Quốc từ chối về mặt ngoại giao.
Thứ hai, cả hai nước sẽ khởi động lại hợp tác chống chất gây nghiện. Mỹ chứng kiến hàng chục nghìn ca tử vong hàng năm do lạm dụng các loại thuốc như fentanyl và con số này đang gia tăng. Trong lịch sử, Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc cung cấp số lượng lớn thuốc như opioid (giảm đau).
Thứ ba, hai nước sẽ thiết lập cơ chế đối thoại cấp chính phủ về trí tuệ nhân tạo (AI). Với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của công nghệ, AI thể hiện tiềm năng và tầm ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, là một công nghệ đang phát triển, việc lạm dụng nó có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội. Đối thoại và liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc về AI có lợi cho việc cùng nhau khám phá và giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển AI.
Thứ tư, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường các chuyến bay thương mại song phương trong năm tới, mang lại nhiều thuận lợi và cơ hội hơn cho giao lưu nhân dân.
Thứ năm, hai nước sẽ mở rộng trao đổi về giáo dục, sinh viên du học, thanh niên, văn hóa, thể thao và kinh doanh. Tuy nhiên, do có những xích mích chung trong quan hệ song phương và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, những kỳ vọng về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa dường như không quá lạc quan.
Thứ sáu, hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu sẽ được tăng cường. Biến đổi khí hậu là lĩnh vực có số lượng thỏa thuận hợp tác đáng kể nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vì lĩnh vực này không gây ra mối đe dọa cho hai nước. Nếu không có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc, chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu có thể gặp nhiều thách thức để tiến triển.
Đồng thời, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng có nhiều lĩnh vực trong quan hệ song phương vẫn không thay đổi. Những lĩnh vực không thay đổi này có thể thể hiện tốt hơn bản chất của mối quan hệ Mỹ-Trung:
Một là, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong chiến lược quốc phòng cuối năm 2017, Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài. Một loạt điều chỉnh trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ là động lực cơ bản đằng sau những thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ-Trung. Chiến lược này xác định nhiều khía cạnh của mối quan hệ và bản chất cơ bản của nó. Trong vài thập kỷ, Mỹ khó có thể điều chỉnh đáng kể chiến lược này.
Hai là, chiến lược “sân nhỏ, tường cao” (“small yard, high wall”) mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Mặc dù là một nền kinh tế định hướng thị trường và từ lâu đã ủng hộ thị trường tự do, Mỹ đặt mục tiêu kiềm chế Trung Quốc để phục vụ chiến lược cạnh tranh cường quốc. Do lo ngại về an ninh quốc gia và để ngăn chặn việc xuất khẩu thêm công nghệ sang Trung Quốc, Mỹ đã nghĩ ra chiến lược “sân nhỏ, tường cao” nhằm phân định một loạt khu vực hạn chế trong “sân nhỏ” bao gồm kiến thức chuyên sâu và công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, y sinh, v.v. “Tường cao” áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc ở cấp độ công nghệ, sản phẩm, thiết bị và kiến thức. Khái niệm này cũng đã mở rộng trên toàn cầu thông qua các liên minh của Mỹ. Ví dụ, Mỹ cùng với Hà Lan và Nhật Bản hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.
Ba là, chiến lược và cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan sẽ không thay đổi. Vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Mỹ đã liên tục sử dụng vấn đề này như một đòn bẩy và công cụ địa chính trị quan trọng để gây ảnh hưởng đến Trung Quốc. Do đó, vấn đề như vậy sẽ tiếp tục là điểm xung đột quan trọng giữa hai quốc gia, đóng vai trò là quân bài chiến lược của Mỹ.
Bốn là, những nỗ lực chung của Mỹ và các đồng minh nhằm áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Trong cuộc gặp ở San Francisco, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ không có ý định cùng đồng minh hình thành vòng vây chống Trung Quốc. Tuy nhiên, thật khó để một tuyên bố như vậy được tuân thủ trên thực tế. Bởi, để Mỹ “kiềm chế” đối thủ chiến lược lâu dài là Trung Quốc, chắc chắn Mỹ sẽ thực hiện chiến lược “bao vây” kéo dài. Tuy nhiên, các nước đồng minh của Mỹ sẽ xác định thái độ và chính sách của họ đối với Trung Quốc dựa trên lợi ích quốc gia của chính họ.
Tóm lại, theo các nhà nghiên cứu tại ANBOUND, một chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc trong việc định hướng mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai bao gồm việc kiên định tuân thủ các nguyên tắc cải cách và mở cửa, đảm bảo tiếp tục cởi mở với cộng đồng toàn cầu. Độ mở lớn hơn có nghĩa là môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, việc thực hiện cải cách toàn diện theo định hướng thị trường cũng rất quan trọng. Những hành động này có thể giảm thiểu tác động của chiến lược ngăn chặn của Mỹ và giảm bớt những hạn chế do những nỗ lực đó áp đặt.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga xây dựng hệ thống phòng không đa tầng để ứng phó tên lửa ATACMS
Hy Lạp trưng bày cổ vật ngay trong ga tàu điện ngầm
Một số quận ở Ấn Độ đóng cửa trường học do mưa lớn khi bão Fengal tiến gần
FED dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI
EU thúc đẩy chính sách tài khóa chặt chẽ hơn từ năm 2025
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut