Ngành công nghiệp ô tô lạc quan với sự hồi sinh phương tiện cá nhân hậu COVID-19

24/05/2020 07:00

Nỗi lo về sức khỏe đang khiến doanh số bán hàng của ngành sản xuất ô tô tăng lên trong bối cảnh người tiêu dùng không còn mặn mà với phương tiện công cộng sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

 

Chú thích ảnh
Đường chật kín ô tô trong giờ cao điểm tại Bắc Kinh. Ảnh: EPA

Theo tạp chí Financial Times, suốt 20 năm nay, Rebecca Coleman không có ô tô riêng. Đầu tháng Ba, khi đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra bắt đầu lây lan mạnh tại New York, cô cùng gia đình quyết định không sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà thay vào đó là mua một chiếc ô tô của hãng Honda. Toàn bộ quá trình giao dịch được thực hiện qua ứng dụng video chat.

“Tôi không muốn mua ô tô, nhưng cần một chiếc để có thể tới thăm gia đình mình sống bên ngoài thành phố”, Rebecca chia sẻ.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới phải đối mặt với sự sụp đổ gần như hoàn toàn về doanh số bán hàng và tình trạng bấp bênh kéo dài nhiều tháng ngay cả khi nối lại hoạt động sản xuất, câu chuyện của cô Rebecca đã mang đến một tia hy vọng mong manh cho ngành công nghiệp thoi thóp trong đại dịch.

Trong nhiều năm qua, các nhà sản xuất ô tô chứng kiến tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân ở người trẻ và người dân sống tại thành thị giảm đáng kể vì một phần, cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tốt hơn cũng như xu hướng đi xe chung, taxi hay thuê xe bùng nổ.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng trên đảo chiều.

Cụ thể, tại Trung Quốc, khi chính phủ vừa ra lệnh nới lỏng các biện pháp phong tỏa, ngay lập tức số người sử dụng xe ô tô cá nhân tăng vọt vì nỗi lo di chuyển bằng phương tiện công cộng.

“Trong tháng ngay sau ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, có một sự chuyển hướng đáng kể đối với việc di chuyển bằng phương tiện công cộng”, Jürgen Stackmann – người đứng đầu bộ phận bán hàng của tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen – cho biết.

Doanh số bán ô tô tại quốc gia tỷ dân này được cho là hồi phục nhanh hơn dự báo. Thương hiệu ô tô cao cấp Volvo cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng 20% so với năm 2019, trong khi toàn bộ thị trường trong tháng Tư cao hơn 4,4% so sới cùng kỳ năm ngoái.

“Hiện tượng này có thể dùng thuật ngữ ‘mua trả thù’ để miêu tả. Mọi người đã quá mệt mỏi với việc ngồi ở nhà trong khi bị phong tỏa và họ muốn ra ngoài, mua sắm”, Giám đốc điều hành Volvo Hakan Samuelsson trả lời tạp chí Financial Times.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp ô tô của Volkswagen tại Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP 

Sự hồi sinh của phương tiện cá nhân

Nắm bắt tâm lý lo lắng về sức khỏe khi sử dụng phương tiện công cộng, bộ phận marketing của các hãng sản xuất ô tô đã bắt tay vào hành động. Trên một trang báo quảng cáo ở Đức, tập đoàn Volkswagen đã đưa hình ảnh một chiếc xe Volkswagen Tiguan được bọc kín bằng một chiếc khẩu trang khổng lồ, ở dưới in dòng chữ lớn “An toàn là trên hết”. Trong thời điểm nhà máy tạm ngưng hoạt động vì lệnh phong tỏa, chi nhánh của tập đoàn Ford tại Trung Quốc đã cho cải thiện hệ thống lọc khí trong xe. Mặc dù việc cải thiện này không ngăn ngừa được virus SARS-CoV-2, song nó được quảng cáo bảo vệ người sử dụng tốt hơn trước khói bụi hay hạt khí lơ lửng trong xe. Ngay khi mở bán trở lại, Ford đã bán trên 40.000 chiếc ô tô được nâng cấp.

Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là liệu tốc độ hồi phục tại Trung Quốc có lặp lại ở thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ hay không.

Tại Anh, sự hứng thú của người tiêu dùng đối với việc mua ô tô tăng kể từ khi Thủ tướng Boris Johnson ra thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế hồi đầu tháng Năm. Nhà lãnh đạo khuyến khích những ai quay trở lại làm việc nên “tránh sử dụng phương tiện công cộng nhiều nhất có thể”.

Theo kết quả khả sát do thị trường ô tô trực tuyến Auto Trader của Anh thực hiện, trên một nửa người có bằng lái xe tại quốc gia này trước đây chưa có xe ô tô giờ đều cân nhắc mua một chiếc để không phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi lệnh phong tỏa kết thúc.

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại Mỹ. 1/5 trong tổng số 3.000 người dân trả lời khảo sát của trang mạng Cars.com hồi giữa tháng Ba cho biết họ đang cân nhắc mua ô tô vì đại dịch COVID-19. Khoảng 43% người tham gia trả lời họ sẽ ngừng sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Đại dịch có khả năng đảo ngược xu hướng không có ô tô tại giới tiêu dùng trẻ. 35% trong số đó cho biết họ đang tìm mua một chiếc”, Markus Winkler – người đứng đầu công ty cố vấn cho ngành sản xuất ô tô Capgemini – giải thích.

Chú thích ảnh
Xe ô tô do hãng Tesla Motors sản xuất tại California. Ảnh: AP

Dịch vụ thuê xe hoặc trả phí hàng tháng

Nếu không có khả năng mua xe, người dân có thể lựa chọn các dịch vụ khác để có cho mình một phương tiện cá nhân. 

Dịch vụ Zipcar của tập đoàn cho thuê xe Avis chứng kiến nhu cầu tăng vọt tại các thành phố ở Mỹ sau khi giới thiệu gói thuê xe riêng trong nhiều ngày.

“Trước đây, Zipcar không phải là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn di chuyển từ vùng ngoại ô vào thành phố. Tuy nhiên, với hình thức cho thuê xe trong ngắn hạn, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách hơn”, chủ tịch Zipcar Tracey Zhen cho biết.

Tại Nhật Bản, mối lo ngại về giao thông công cộng khiến nhiều người tìm đến đến dịch vụ dùng xe trả phí hàng tháng. Idom - một trong những đại lý xe đã qua sử dụng lớn nhất tại Nhật Bản - đã ra mắt dịch vụ thuê xe theo tháng với mức giá 280 USD/tháng từ tháng Hai và chỉ trong 2 tháng sau đó, lượng người đăng ký dịch vụ tăng gấp đôi.

Ông Naoki Yamahata – quản lý phụ trách dịch vụ thuê xe tại Idom – cho rằng nhiều người Nhật Bản vẫn còn gặp trở ngại về mặt tài chính đối với việc sở hữu một chiếc xe. Người dân đang tìm kiếm một dịch vụ cho phép họ sở hữu một phần chiếc xe mà không có rủi ro khi thuê chung với người khác. Dịch vụ này đáp ứng đủ nhu cầu cho người chưa đủ tiền để mua một chiếc xe hơi cùng như không cần dùng chung xe với người khác”.

Nguồn: baotintuc.vn