Lãnh đạo Mỹ và Israel điện đàm, thảo luận về giải pháp hai nhà nước
20/01/2024 07:48
Ngày 19/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó thảo luận các giải pháp hướng tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo sau gần 1 tháng, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các cuộc tấn công hiện nay của Israel ở Dải Gaza, các nỗ lực giải cứu những con tin hiện vẫn bị Hamas cầm giữ và vấn đề cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm nói trên, Tổng thống Biden cho biết ông Netanyahu không phản đối tất cả các giải pháp hai nhà nước và vẫn có thể chấp nhận một hình thức nào đó. Ông Biden đề cập có một số hình thức có thể tiếp cận, đồng thời lưu ý rằng một số thành viên Liên hợp quốc (LHQ) không có lực lượng quân sự.
Phát biểu trên của ông Biden được cho là đề cập một phương án có thể liên quan một chính phủ phi quân sự hóa. Tuy nhiên, ông Biden không tiết lộ cụ thể.
Trước khi cuộc điện đàm diễn ra, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Biden tin tưởng vào triển vọng và khả năng hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước cho cả người Israel và người Palestine.
Liên quan tình hỉnh Dải Gaza, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn thông tin từ Cơ quan y tế Dải Gaza ngày 19/1 cho biết xung đột trong hơn 3 tháng qua đã khiến 24.762 người thiệt mạng và khoảng 62.108 người Palestine bị thương tại vùng lãnh thổ này.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cảnh báo tình trạng thiếu nước uống và sinh hoạt tại Dải Gaza ngày càng tồi tệ. Các giếng khoan cấp nước tại chỗ chỉ đảm bảo được 1/10 công suất trước khi xung đột nổ ra trong khi nước từ nguồn này cũng không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, chỉ có 1 trong số 3 đường cấp nước đảm bảo vệ sinh từ Israel còn hoạt động, cung cấp lượng nước bằng 50% so với tổng lượng nước khi cả 3 đường ống còn hoạt động. Không chỉ thiếu nước, tình hình vệ sinh dịch tễ, tiêm phòng và cấp thuốc điều trị bệnh tại dải đất bị phong tỏa này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Các hoạt động cứu trợ của LHQ và các đối tác tại phía Bắc Dải Gaza cũng bị cản trở vì phải chờ đợi quân đội Israel cấp phép tiếp cận khu vực. Trong số 29 chuyến hàng cứu trợ dự định đưa vào Dải Gaza trong 2 tuần đầu của tháng 1/2024, LHQ mới thực hiện được 7 chuyến, trong đó có chuyến chỉ được một phần.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI
EU thúc đẩy chính sách tài khóa chặt chẽ hơn từ năm 2025
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn