Hội nghị Davos 2024: Chủ tịch WEF nhấn mạnh tinh thần đoàn kết toàn cầu
20/01/2024 16:00
Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) đã kết thúc vào ngày 19/1, khép lại 5 ngày thảo luận sôi nổi về nhiều chủ đề đang được quan tâm hiện nay như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu.
Trong diễn văn bế mạc, Chủ tịch WEF Borge Brende kêu gọi xây dựng lại niềm tin trong bối cảnh thế giới ngày càng rạn nứt và phân cực, theo đó hội nghị năm nay được xem là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và các mối quan hệ đối tác hướng đến hành động.
Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh vai trò của diễn đàn trong việc khơi dậy "tinh thần đoàn kết" trên toàn cầu, đồng thời khẳng định hợp tác có thể đem lại những kết quả tích cực và có ý nghĩa. Theo ông Brende, thế giới đang phải ứng phó với những thách thức đầy khó khăn và phức tạp, bao gồm tình trạng nóng lên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế mong manh và bất ổn an ninh ở nhiều nơi. Ông nhấn mạnh niềm tin suy giảm trong những năm gần đây và đó là lý do hội nghị lần này kêu gọi xây dựng lại, coi đây là nền tảng quan trọng cho hợp tác toàn cầu để đối phó với những thách thức hiện nay. Ông khẳng định: "Trong thời kỳ đầy thách thức và khó lường, hợp tác là con đường duy nhất và chắc chắc để có thể định hình một thế giới ổn định, công bằng và có khả năng chống chịu trước những biến động trong tương lai".
Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch Điều hành WEF, nêu rõ: "Chúng ta phải xây dựng lại sự tin tưởng - tin vào tương lai của chúng ta, tin vào khả năng của chúng ta trong việc vượt qua những thách thức, và quan trọng nhất là tin tưởng lẫn nhau". Ông cũng nhấn mạnh sự tin tưởng này phải được thể hiện trong hành động thực chất.
Với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin", hội nghị diễn ra 5 ngày này tập trung vào 4 ưu tiên chính, gồm tăng cường hợp tác trong một thế giới ngày càng phân mảnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm trong thời kỳ mới, các biện pháp đưa AI trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội và thiết lập chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.
Trong các phát biểu tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại về tình trạng phân mảnh toàn cầu và những thách thức hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng tình trạng này là một trong những thách thức đối với thế giới hiện nay và hội nghị WEF năm 2023 cũng đã kêu gọi hành động để ngăn chặn tình trạng này. Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam cũng bày tỏ quan ngại về xu hướng phân cực trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, tại một phiên thảo luận ngày 19/1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho rằng nền kinh tế thế giới đang chứng kiến những "bất thường" mới kể từ cuối năm 2023, chẳng hạn như tiêu dùng - vốn là động lực của tăng trưởng - đã có phần suy giảm so với trước đây. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB ghi nhận những dấu hiệu tích cực như chỉ số lạm phát ở một số nước đã có chiều hướng giảm, trong khi hoạt động thương mại đã bắt đầu tăng trở lại sau khi gián đoạn và sụt giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 2021-2022. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đỏ và ở kênh đào Suez cũng như những ảnh hưởng mà biến đổi khí hậu gây ra ở kênh đào Panama.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) là chủ đề được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận tại WEF năm nay. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề cập những nguy cơ từ AI, cảnh báo những hiểm họa khó lường nếu công nghệ này không được kiểm soát. Theo đó, ông kêu gọi các chính phủ khẩn trương hợp tác với các công ty công nghệ về khuôn khổ quản lý rủi ro để phát triển AI cũng như giám sát và giảm thiểu tác hại trong tương lai. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố bản đánh giá cho rằng sự phát triển của công nghệ AI có thể ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới, làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và có khả năng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và người lao động trong các quốc gia.
Hội nghị thường niên năm nay của WEF có sự tham dự của gần 3.000 nhà lãnh đạo thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, từ hơn 120 quốc gia. Các nhà lãnh đạo đã tham gia hơn 450 phiên họp và thảo luận nhằm thúc đẩy đối thoại trên nhiều lĩnh vực.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI
EU thúc đẩy chính sách tài khóa chặt chẽ hơn từ năm 2025
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn