G7 kêu gọi các bên liên quan trong khu vực 'hành động có trách nhiệm'
04/10/2024 10:47
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 3/10 ra tuyên bố tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, kêu gọi các bên liên quan trong khu vực “hành động có trách nhiệm” và kiềm chế, đồng thời nhắc lại cam kết ủng hộ an ninh của Israel.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tuyên bố của G7 nêu rõ: “Chúng tôi, các nhà lãnh đạo G7, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình đang xấu đi ở Trung Đông ... Chúng tôi tái khẳng định cam kết ủng hộ an ninh của Israel”.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh “vòng xoáy nguy hiểm của những cuộc tấn công và trả đũa có nguy cơ thúc đẩy sự leo thang không thể kiểm soát được ở Trung Đông, vốn không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai”. Tổ chức gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản “kêu gọi tất cả các bên liên quan trong khu vực hành động có trách nhiệm và kiềm chế”, đồng thời can dự tích cực để góp phần hạ nhiệt tình trạng căng thẳng hiện nay.
Các nhà lãnh đạo G7 còn nhắc lại lời kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, trả tự do vô điều kiện cho toàn bộ con tin đang bị giam giữ và mở rộng bền vững dòng chảy viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine, chấm dứt xung đột.
Liên quan đến tình trạng căng thẳng giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban, tuyên bố của G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Liban, kêu gọi chấm dứt bầu không khí thù địch một cách sớm nhất có thể để tạo không gian cho giải pháp ngoại giao dọc theo Đường Xanh (Blue Line), phù hợp với Nghị quyết số 1701 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Theo G7, đây là cách thức duy nhất để xuống thang căng thẳng một cách bền vững, tạo dựng ổn định trên biên giới Israel-Liban.
* Cũng trong ngày 3/10, truyền thông Trung Đông dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang thảo luận về khả năng Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, song khẳng định ông không hề mong muốn bất kỳ hành động trả đũa ngay lập tức nào từ phía Tel Aviv.
Chia sẻ với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ quả quyết: “Trước hết, chúng tôi không ‘cho phép’ Israel, chúng tôi khuyên giải Israel. Sẽ không có chuyện gì xảy ra trong hôm nay (3/10, theo giờ địa địa phương)”.
Trước đó, hôm 2/10, Tổng thống Biden tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
* Trong một diễn biến khác có liên quan, giá dầu tiếp tục tăng mạnh khi thị trường lo ngại về khả năng Israel trả đũa Iran, tấn công các cơ sở dầu mỏ của Tehran.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa New York, tại thời điểm 15h00 ngày 3/10 (giờ địa phương), dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn giao tháng 11 đứng ở mức 73,78 USD/thùng, tăng 3,68 USD/thùng so với chốt phiên ngày 2/10, tương ứng mức tăng 5,25%. Dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tháng 12 được giao dịch ở mức giá 77,80 USD/thùng, tăng 3,80 USD/thùng, tương ứng 5,14%. Đây đều là những mức giá dầu thô cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Thị trường dầu mỏ thời gian gần đây chịu tác động lớn từ chiều hướng leo thang xung đột ở Trung Đông. Dầu thô có 2 phiên tăng giá mạnh liên tiếp sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tấn công Israel hôm 1/10, làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông - khu vực đóng vai trò nguồn cung năng lượng quan trọng cho thị trường toàn cầu.
Iran là nước sản xuất dầu lớn trong khu vực, cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 2% nguồn cung toàn cầu. Giới phân tích dự báo, một cuộc tấn công lớn của Israel vào các cơ sở dầu mỏ Iran có thể khiến nguồn cung hao hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Các bài viết cùng chuyên mục
Mỹ đề nghị Israel đảm bảo an toàn cho lực lượng UNIFIL ở Liban
Giới hạn quyền lực của ông Trump trong đảng Cộng hoà
Lý do Nga sử dụng tên lửa IRBM đáp trả việc Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa
Iran kích hoạt máy ly tâm mới nhằm đáp trả nghị quyết của IAEA
Cuộc sống bên trong ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Bitcoin lập kỷ lục mới, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
Lực lượng hùng hậu của Fox News trong nội các Trump 2.0
Bão tuyết ở Phần Lan khiến 80.000 hộ gia đình mất điện
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung khi thời điểm bế mạc gần kề
Nền kinh tế thời chiến của Nga đang chạm đến điểm giới hạn?