Azerbaijan nêu lý do từ chối đàm phán hòa bình với Armenia tại Mỹ
19/11/2023 16:25
Azerbaijan đã bác bỏ tiến hành đàm phán hòa bình với Armenia tại Mỹ vì "nhận xét thiên vị" của Washington.
Theo hãng tin AFP, Azerbaijan ngày 16/11 đã từ chối tham gia đàm phán bình thường hóa với Armenia vốn đã được lên kế hoạch tại Mỹ trong tháng này vì điều mà Baku cho là quan điểm “thiên vị” của Washington.
Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng không thể tổ chức cuộc gặp được đề xuất cấp Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan và Armenia tại Washington vào ngày 20/11/2023”.
Động thái này diễn ra sau phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 15/11, nơi Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho rằng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James O'Brien đã đưa ra “những nhận xét một chiều và thiên vị” về Azerbaijan.
Ông O'Brien nói với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ rằng: "Sẽ không bình thường với Azerbaijan sau sự kiện ngày 19/9 cho đến khi chúng ta thấy được tiến bộ trên con đường hòa bình. Chúng tôi đã hủy một số chuyến thăm cấp cao và lên án các hành động của Baku”.
Bộ Ngoại giao Azerbaijan nêu rõ: “Cách tiếp cận đơn phương như vậy của Mỹ có thể khiến Mỹ mất vai trò hòa giải”.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan sau đó một ngày nói rằng “ý chí chính trị của Yerevan về việc ký kết một thỏa thuận hòa bình với Baku trong những tháng tới vẫn không lay chuyển”.
Ông Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tổ chức nhiều vòng đàm phán dưới sự hòa giải của EU. Nhưng tháng trước, Tổng thống Aliyev đã từ chối tham dự vòng đàm phán với ông Pashinyan ở Tây Ban Nha, với lý do “quan điểm thiên vị” của Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã được lên kế hoạch tham gia cùng Chủ tịch Hội đồng chuâ Âu Charles Michel với tư cách là người hòa giải tại các cuộc đàm phán đó. Cho đến nay, nỗ lực của EU nhằm tổ chức một vòng đàm phán mới vẫn chưa có tiến triển rõ ràng.
Azerbaijan và Armenia đã mắc kẹt trong cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ trên khu vực Nagorny-Karabakh, vùng đất mà Baku đã giành lại quyền kiểm soát vào tháng 9 vừa qua sau một cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào các nhóm vũ trang người Armenia.
Các cuộc đàm phán hòa bình do quốc tế làm trung gian giữa hai nước từng thuộc Liên Xô cũ này có rất ít tiến triển nhưng lãnh đạo cả hai nước đều cho biết một thỏa thuận hòa bình toàn diện có thể được ký kết vào cuối năm nay.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga xây dựng hệ thống phòng không đa tầng để ứng phó tên lửa ATACMS
Hy Lạp trưng bày cổ vật ngay trong ga tàu điện ngầm
Một số quận ở Ấn Độ đóng cửa trường học do mưa lớn khi bão Fengal tiến gần
FED dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI
EU thúc đẩy chính sách tài khóa chặt chẽ hơn từ năm 2025
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut