Olympic 2024: Tranh luận tại Đức về tài trợ thể thao
15/08/2024 17:31
Olympic Paris 2024 đã khép lại và Đức chỉ đứng thứ 10 trong bảng tổng sắp huy chương, với 12 HCV, 13 HCB và 8 HCĐ - thành tích kém nhất kể từ khi nước Đức thống nhất.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, sau thành tích kém cỏi của thể thao nước nhà tại kỳ đại hội năm nay, Hiệp hội Vận động viên Đức đã kêu gọi chính phủ cải cách hệ thống tài trợ thể thao. Hiệp hội này nêu rõ nguồn kinh phí dành cho thể thao chỉ đủ một phần để cung cấp những điều kiện tối ưu cho phát triển tiềm năng của các vận động viên.
Chủ tịch Hiệp hội Vận động viên Đức Johannes Herber cho rằng thể thao đỉnh cao là lĩnh vực chuyên nghiệp nhiều rủi ro, mất mát và có chi phí rất lớn, nên luật tài trợ thể thao đang được xây dựng cần đảm bảo điều kiện vật chất và xã hội tối thiểu cho các vận động viên, đồng thời tăng cường bảo vệ lợi ích và sức khỏe cho họ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW) ở Cologne (Köln) cho thấy không phải cứ đầu tư nhiều tiền hơn là tự động sẽ có nhiều huy chương hơn, mà trên thực tế là sự kém hiệu quả. Trong 10 năm qua, khoản tài trợ thể thao cấp cao nhất đã tăng từ 44 triệu euro (tương đương 48,3 triệu USD) lên gần 60 triệu euro, nhưng tỷ lệ thành công lại ngày càng giảm.
Chính phủ hiện đã trả tiền trợ cấp cho các hiệp hội thể thao gần như gấp đôi cho mỗi huy chương giành được, so với tại kỳ Olympic cách đây 8 năm ở Brazil. Năm 2016 tại Olympic Rio de Janeiro, Chính phủ Đức đã tài trợ cho các hiệp hội thể thao khoảng 2,2 triệu euro/huy chương. Tại Olympic Tokyo 2020, con số này là 3,2 triệu euro và ở Olympic Paris 2024 là 3,7 triệu euro.
Nhà kinh tế Simon Gerards Iglesias của IW giải thích: “Tài trợ cho thể thao mắc phải căn bệnh tương tự đang gây gánh nặng cho nền kinh tế: Đó là nạn quan liêu thường xuyên làm suy yếu tính chính xác của các biện pháp của chính phủ”.
Những người thực hiện nghiên cứu cũng đi đến kết luận rằng nguồn lực không đủ tập trung vào các bộ môn có triển vọng mà bị dàn trải quá rộng. Từ năm 2021 đến 2023, Hiệp hội Điền kinh Đức nhận được nhiều tiền nhất trong tất cả các hiệp hội với hơn 30 triệu euro, nhưng chỉ giành được 4 huy chương tại Olympic Paris 2024.
Việc phát triển tài năng trẻ cũng thất bại, các trường thể thao Đức ngày càng ít người đăng ký. Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Olympic Đức Thomas Weikert thừa nhận: "Cần phải hành động ở nhiều cấp độ. Chúng tôi cần nhiều huấn luyện viên hơn và mức lương tốt hơn cho huấn luyện viên. Tôi đã cố gắng thúc đẩy điều này trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thực sự thành công”. Ngoài ra, việc thiếu kinh phí đầu tư cho thể thao trường học và mẫu giáo cũng là vấn đề nan giải.
Nhà vô địch bơi lội thế giới Angelina Köhler nhận thấy cần nâng tiền thưởng cho những thành công ở Olympic để tạo động lực cho các vận động viên. Cô nói: “Tôi thấy thật vô lý khi người chơi trong chương trình truyền hình thực tế "Ngôi nhà mùa Hè của các ngôi sao" có thể giành giải thưởng 50.000 euro, trong khi các vận động viên giành HCV tại Olympic chỉ được thưởng 20.000 euro. Chúng tôi tập luyện cả đời để đạt được thành tích cao nên tiền thưởng thấp như vậy là không đúng”. Để so sánh, Singapore thưởng gần 700.000 euro cho mỗi chủ nhân HCV Olympic.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Công bố sớm 50 môn thi đấu tại SEA Games 33
HLV Amorim tự tin là người phù hợp, đặt mục tiêu vô địch cùng Manchester United
Tìm đội hình chiến thuật cho tuyển Việt Nam tại ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Super Sunday giữa Man City - Tottenham: Điểm tựa Etihad
Nadal: Davis Cup là một sự khép lại trọn vẹn
Giới thiệu Võ cổ truyền đến với người dân và du khách
Viktor Gyokeres - Cái tên ‘siêu hot’ của bóng đá châu Âu
Đánh bại Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á
Bóng đá Nữ Việt Nam: Hướng đến mục tiêu trở thành "khách quen" tại World Cup
Phát huy "sức mạnh mềm" nâng tầm vị thế bóng đá Việt Nam