Olympic 2024: Đức tiếp tục duy trì kiểm soát biên giới với Pháp

16/07/2024 16:23

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser cho biết nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Pháp trước và trong thời gian diễn ra Olympic mùa Hè Paris 2024 để đảm bảo mức độ an ninh cao nhất và phối hợp chặt chẽ với chính quyền Paris.

Chú thích ảnh

Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại Kehl, khu vực biên giới Pháp - Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới trên toàn quốc sẽ không được gia hạn sau khi EURO 2024 kết thúc, bất chấp lời kêu gọi của Liên minh Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Như vậy, từ ngày 19/7, các biện pháp kiểm soát toàn quốc được áp dụng trong thời gian diễn ra EURO 2024 tại biên giới với Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg sẽ chấm dứt. Kiểm soát biên giới sẽ trở lại như cũ, tức là theo dõi ngầm và kiểm tra có trọng tâm.

Bộ Nội vụ Liên bang Đức cho biết các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ khu vực Schengen chỉ là tạm thời, khi có mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự công cộng hoặc an ninh trong nước. Bộ trưởng Faeser nhấn mạnh rằng, bất cứ đảng phái nào yêu cầu kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, với các nước láng giềng như Hà Lan hoặc Đan Mạch, đều phải hiểu rằng việc này có thể gây những hậu quả nghiêm trọng đối với người đi lại, khách du lịch, thương mại và nền kinh tế, và phải phù hợp với luật pháp châu Âu. Theo bà Faeser, việc kiểm soát tiếp tục được duy trì ở biên giới đất liền với Áo, Thụy Sĩ, CH Séc và Ba Lan nhằm hạn chế tình trạng di cư bất thường và chống buôn lậu. Việc kiểm soát này hiện được ấn định cho đến ngày 11/11 tại biên giới với Áo và cho đến ngày 15/12 tại biên giới với Ba Lan, Thụy Sĩ và Séc.

Trong khi Liên minh CDU/CSU và đảng FDP ủng hộ việc kiểm soát biên giới toàn nước Đức, đảng Xanh và ngành cảnh sát lại phản đối. Đảng Xanh cho rằng việc kiểm soát biên giới tạm thời là để khống chế những kẻ côn đồ, những kẻ khủng bố tiềm năng và những tội phạm khác, còn việc giảm thiểu tình trạng nhập cư thông qua kiểm soát cố định 2.000 km biên giới nội địa là một vấn đề khác. Công đoàn cảnh sát cũng có chung nhận định, vì không có đủ nhân viên và thiết bị để đáp ứng nhu cầu của CDU/CSU và FDP. 

Kể từ ngày 7/6 khi bắt đầu áp dụng kiểm soát biên giới chặt chẽ, Đức đã bắt hàng trăm đối tượng buôn lậu, chặn hàng nghìn người nhập cảnh bất hợp pháp và từ chối nhập cảnh với nhiều người di cư. Ngoài ra, hơn 100 người thuộc diện cổ động viên bóng đá bạo lực cũng bị từ chối nhập cảnh.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới