Nguy cơ bị tấn công mạng khi xem Giải ngoại hạng Anh không bản quyền

23/12/2023 10:04

Chiến dịch "Boot Out Piracy” (Tẩy chay vi phạm bản quyền) xuất hiện trở lại để nhắc nhở người hâm mộ Việt Nam về những rủi ro và tác động tiêu cực của việc "xem lậu" Giải ngoại hạng Anh.

Chú thích ảnh

Chiến dịch "Boot Out Piracy" có sự góp mặt của các ngôi sao Giải ngoại hạng Anh. Ảnh: BTC

Chiến dịch "Boot Out Piracy" được khởi động trở lại lần 3 sau khi đại diện Giải ngoại hạng Anh tham dự hội thảo chống vi phạm bản quyền của giải đấu này do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam tổ chức, để đưa ra giải pháp cải thiện hơn nữa cơ chế chặn trang web, "đập tan" các băng nhóm vi phạm bản quyền tinh vi đang hoạt động tại Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những mối nguy hiểm của vi phạm bản quyền.

Bên cạnh việc làm gián đoạn các nguồn phát sóng Giải ngoại hạng Anh bất hợp pháp và các nội dung khác, cơ quan quản lý Việt Nam cũng hạn chế quyền truy cập vào các hoạt động cờ bạc không được cấp phép và không được kiểm soát, gây ra những rủi ro không thể chấp nhận được cho người tiêu dùng.

Giám đốc pháp lý Ngoại hạng Anh Kevin Plumb cho biết: "Chúng tôi biết người hâm mộ bóng đá Việt Nam và trên khắp châu Á say mê Giải ngoại hạng Anh như thế nào. Thông qua chiến dịch "Boot Out Piracy", chúng tôi tiếp tục muốn nhấn mạnh sự rủi ro khủng khiếp khi theo dõi các trận đấu phát trực tuyến bất hợp pháp, hãy xem những trận đấu với chất lượng tốt nhất thông qua đối tác phát sóng chính thức của chúng tôi. Tại Việt Nam, Giải ngoại hạng Anh hiện đang hợp tác với đối tác đài truyền hình địa phương là K+ trong chiến dịch "Boot Out Piracy".

Chiến dịch năm nay có sự góp mặt của các ngôi sao Giải ngoại hạng Anh, bao gồm: Casemiro (Manchester United), Diogo Jota (Liverpool), Julio Enciso (Brighton & Hove Albion), Abdoulaye Doucouré (Everton) và Taiwo Awoniyi (Nottingham Forest). Theo đó, trong một loạt video xuất hiện trên các kênh kỹ thuật số sắp tới, các cầu thủ sẽ nhấn mạnh việc người dùng dễ bị đe dọa tấn công mạng bởi các phần mềm độc hại và phần mềm tống tiền như thế nào khi truy cập nội dung Giải ngoại hạng Anh không chính thức.

Một báo cáo do Liên minh Công dân Kỹ thuật số công bố vào tháng 6 năm 2023, với tiêu đề "Giving Piracy Operators Credit - Tặng tín dụng cho những kẻ vi phạm bản quyền" cho thấy, 44% người dùng truy cập nội dung vi phạm bản quyền trực tuyến đã từng gặp phải trường hợp bị đánh cắp danh tính. Báo cáo tương tự cũng cho thấy, 46% người dùng sử dụng nội dung vi phạm bản quyền đã gặp phải phần mềm độc hại so với chỉ 9% người dùng không vi phạm bản quyền.

Giáo sư Paul Watters, nhà tư vấn và nghiên cứu an ninh mạng hàng đầu cho biết: "Việt Nam ghi nhận thiệt hại kỷ lục hơn 900 triệu USD do các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại vào năm 2022. Người tiêu dùng cần biết rằng, các trang web và ứng dụng phát trực tuyến nội dung vi phạm bản quyền là một trong những nguồn chính gây ra các cuộc tấn công này. Mặc dù phần mềm chống virus có thể giúp người tiêu dùng nhưng cũng không thể theo kịp sự bùng nổ của các biến thể phần mềm độc hại mỗi ngày".

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới