Nga giải thể ủy ban hỗ trợ tham gia Olympic
12/11/2024 16:39
Vừa qua, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký quyết định giải thể Ủy ban tổ chức chuẩn bị cho các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội Olympic và Paralympic.
Nội dung trên được công bố chính thức trên cổng thông tin chính phủ Nga. Theo đó, Chính phủ Nga đã giải thể tổ chức chịu trách nhiệm chuẩn bị cho các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic và Paralympic. Động thái trên được đưa ra sau hơn một thập kỷ các vận động viên Nga bị cấm tham gia nhiều sự kiện thể thao quốc tế.
Ủy ban này được thành lập vào năm 2014 sau Thế vận hội mùa đông Sochi tại Nga. Ủy ban được giao nhiệm vụ tăng cường sự giữa các cơ quan liên quan của chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thành tích của đội tuyển quốc gia tại các trận đấu trong tương lai. Ủy ban chủ yếu xử lý các vấn đề hậu cần như tổ chức các địa điểm giúp vận động viên thích nghi môi trường thi đấu và thuê chuyến bay.
Theo đánh giá của trang Sport-Express, vai trò của ủy ban trên trong thể thao Nga hầu như không đáng kể. Mọi vấn đề liên quan đều được Hội đồng thể thao Tổng thống quản lý, trong khi Trung tâm đào tạo thể thao sẽ giám sát công tác chuẩn bị cho vận động viên.
Trong hơn một thập kỷ, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với các vận động viên Nga như bị cấm quốc ca và quốc kỳ tại Thế vận hội vì sử dụng doping. Đặc biệt sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine tháng 2/2022, các lệnh cấm của IOC lại càng hạn chế vận động viên người Nga tham dự.
Tại Thế vận hội Paris năm 2024 vừa qua, IOC cho phép tối đa 55 vận động viên Nga đáp ứng đủ điều kiện sẽ có thể tham dự, trong khi Belarus chỉ có 28 người. Các vận động viên chỉ có thể tham gia với tư cách trung lập và bị giới hạn trong các cuộc thi đấu cá nhân, cấm tham gia các môn thể thao đồng đội. Bên cạnh đó, các vận động viên của Nga, Belarus cũng không được tham gia lễ khai mạc và bế mạc.
Các vận động viên Nga công khai ủng hộ nước này trong cuộc xung đột với Ukraine, cũng như bị phát hiện có liên hệ với các cơ quan an ninh nhà nước hoặc quân đội đều bị cấm tham dự. Mặc dù các vận động viên không bắt buộc phải lên án Nga một cách rõ ràng, nhưng tất cả những người tham gia đều phải ký một văn bản cam kết trung thành với "Sứ mệnh hòa bình của Phong trào Olympic".
Nga đã lên tiếng chỉ trích và cho biết IOC đang phá hủy tinh thần Olympic và mục đích thực sự của Thế vận hội. Ngay cả Richard McLaren, cựu nhân viên điều tra của Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) đánh giá rằng việc trừng phạt chung các vận động viên Nga và Belarus vì hành động của chính phủ họ là "không công bằng".
Nga phản đối việc kêu gọi tẩy chay Thế vận hội và tuyên bố các vận động viên Nga nên được tự do tham gia dưới lá cờ trung lập. Đồng thời, Nga cũng đã ủng hộ các sự kiện thể thao quốc tế khác như Thế vận hội hữu nghị thế giới.
Trong năm 2024, Nga đã tổ chức giải đấu “Giải đấu của tương lai” đầu tiên được tổ chức tại Kazan. Giải đấu thu hút hơn 270 đội với trên 2.000 vận động viên từ 107 quốc gia. Giải đấu tranh tài với nhiều môn từ bóng đá, khúc côn cầu và bóng rổ đến đua thiết bị không người lái, lập trình.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Super Sunday giữa Man City - Tottenham: Điểm tựa Etihad
Nadal: Davis Cup là một sự khép lại trọn vẹn
Giới thiệu Võ cổ truyền đến với người dân và du khách
Viktor Gyokeres - Cái tên ‘siêu hot’ của bóng đá châu Âu
Đánh bại Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á
Bóng đá Nữ Việt Nam: Hướng đến mục tiêu trở thành "khách quen" tại World Cup
Phát huy "sức mạnh mềm" nâng tầm vị thế bóng đá Việt Nam
Trọng tài Việt Nam khẳng định chuyên môn ở đấu trường quốc tế
Hà Nội lỡ cơ hội bám đuổi top đầu V-League khi bị Quảng Nam cầm chân
Ghi 16 bàn sau 3 trận, ĐT Việt Nam mở toang vào chung kết, chờ gặp Thái Lan