Hành trình khẳng định vị thế độc tôn của Võ Cổ truyền Bình Định
06/04/2024 10:16
Hướng tới mục tiêu phát huy tối đa những tiềm năng của võ thuật cổ truyền Việt Nam, những người con của Đất Võ Bình Định đã và đang nỗ lực đưa tinh hoa môn võ cổ truyền của dân tộc vươn tầm quốc tế.
Giữa vô vàn những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, Võ Cổ truyền Bình Định với sự hòa quyện, đúc kết từ các tinh hoa võ học mang tính chọn lọc đã dần hình thành nên bản sắc riêng và được các thế hệ võ nhân lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm và lan tỏa rộng khắp trong đời sống tinh thần của người dân.
Hào hùng tinh thần Đất Võ
Giữa tiết trời oi ả và nắng nóng gay gắt cuối tháng Ba tại thành phố biển Quy Nhơn, sự chú ý của du khách được hướng về Quảng trường Nguyễn Tất Thành (phường Trần Phú) - nơi các võ sinh của Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Ðịnh đang miệt mài luyện tập nhằm hướng tới những mục tiêu lớn của thể thao tỉnh nhà trong năm 2024.
Nổi bật là gương mặt Nguyễn Thị Thanh Tiền, võ sỹ sinh năm 2001 (huyện Tuy Phước), với những pha ra đòn mạnh mẽ từng ghi dấu ấn ở đấu trường khu vực với tấm huy chương Vàng hạng cân 50kg môn Kun Bokator (môn võ truyền thống của Campuchia đã được UNESCO ghi danh di sản phi vật thể của nhân loại) tại SEA Games 22 năm 2023.
"Mỗi năm đều có rất nhiều vận động viên tài năng từ các địa phương tham gia tranh tài ở những giải đấu trong nước như Giải Võ Cổ truyền tranh Cúp Hoàng đế Quang Trung, Cúp Vô địch Kickboxing toàn quốc hay Đại hội Thể thao toàn quốc... Là một người con của miền đất Võ Bình Định, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải liên tục trui rèn kỹ năng chiến đấu, cố gắng giữ vững vị thế của địa phương trên bản đồ võ học của dân tộc," Thanh Tiền chia sẻ.
Không chỉ riêng Thanh Tiền, hội chị em tại Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Ðịnh cũng luyện tập không kém phần hăng say. Người luyện quyền pháp, người tập binh khí như kiếm, đao, thương, kích... với hàng loạt động tác uyển chuyển và dứt khoát, góp phần dâng cao hào khí của miền đất Võ trên nền âm hưởng của dàn trống trận Tây Sơn.
"Tính quần chúng là giá trị nổi bật và trở thành niềm tự hào đối với miền đất Võ Bình Định. Người dân Bình Định từ già, trẻ, gái, trai... đều hăng hái luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đầu quân giết giặc, lập công mỗi khi có họa ngoại xâm. Có thể nói, tinh thần đam mê võ học đã trở thành máu thịt, được những người con của Đất Võ Bình Định lưu giữ và tiếp nối qua nhiều thế hệ," huấn luyện viên Lê Trung Kỳ, Đội tuyển Năng khiếu Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Ðịnh cho biết.
Song hành cùng những cuộc trường chinh đầy gian lao, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Võ Cổ truyền Bình Định là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc của ba dòng võ: Chămpa, Đại Việt và Trung Hoa, với đỉnh cao là từ khi có phong trào khởi nghĩa Tây Sơn do "người anh hùng áo vải cờ đào" Quang Trung - Nguyễn Huệ khởi xướng và lãnh đạo.
Nét đặc trưng trong Võ Cổ truyền Bình Định là bộ pháp (bộ ngựa) "Túc bất ly địa": Các võ nhân thường di chuyển theo đồ hình bát quái và vận hành theo thuyết âm-dương ngũ hành. Bộ pháp di chuyển vững chắc nhưng luôn có sự linh hoạt, nhanh nhạy, biến hóa khôn lường ở mọi cự ly, địa hình, giúp các võ sỹ nhanh chóng tiếp cận đối phương.
Để quá trình tiếp thu các kiến thức võ thuật và vận dụng kỹ năng thực hành một cách thống nhất, đồng bộ và dễ hiểu, người dân Bình Định đã sáng tạo ra những "bài thiệu" đặc trưng, thường được viết theo dạng văn xuôi ngắn, hoặc thể thơ, ca dao dân gian, tương ứng với từng động tác, thế võ, từng bài quyền, bài binh khí của Võ Cổ truyền Bình Định. Đây có thể coi là "bộ sách giáo khoa" quý giá mà tổ tiên đã dày công sưu tầm, nghiên cứu để truyền lại cho các thế hệ con cháu, nhằm duy trì sự chuẩn xác và tính đặc thù của Võ Cổ truyền Bình Định.
Là mắt xích quan trọng có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những tinh hoa của võ thuật địa phương, trong hơn 10 năm chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày thành lập (năm 2012), Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Ðịnh đã và đang thực hiện công tác phát hiện, tuyển chọn, triển khai các lớp tập huấn, đào tạo lực lượng võ sư, huấn luyện viên, vận động viên nhằm truyền dạy và phổ biến rộng rãi các bài quyền, bài binh khí đặc trưng của Võ Cổ truyền Bình Định trong các tầng lớp nhân dân.
Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Ðịnh thường xuyên đóng góp lực lượng huấn luyện viên, vận động viên cho Đoàn Thể thao tỉnh Bình Định cũng như Đoàn Thể thao Việt Nam, gặt hái nhiều thành tích nổi bật ở các đấu trường trong nước và quốc tế như Giải Cúp Thế giới Võ Cổ truyển Việt Nam, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á, SEA Games...
Đội tuyển Võ Cổ truyền Bình Định đã hai lần liên tiếp giành vị trí Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao Toàn quốc các năm 2018 và 2022. Ở kỳ SEA Games 22 năm 2023, Võ Cổ truyền Bình Định một lần nữa khẳng định vai trò là nền tảng để phát huy các môn võ khác trên đấu trường quốc tế, khi có hai huấn luyện viên và bốn vận động viên tham gia tranh tài ở môn Kickboxing và Kun Bokator.
Phát huy tiềm năng du lịch - Xứng danh di sản văn hóa
Xác định Võ Cổ truyền là một trong những nét đặc trưng của Bình Định, nhiều năm qua, tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ các võ đường để trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Nắm bắt nhu cầu của du khách, Trung tâm Võ Cổ truyền Bình Định thường xuyên hướng dẫn, góp ý, hỗ trợ các võ đường như: Võ đường Lê Xuân Cảnh (thị xã An Nhơn), Phan Thọ (huyện Tây Sơn), Câu lạc bộ Võ thuật Chùa Long Phước (huyện Tuy Phước)... xây dựng các chương trình biểu diễn phong phú phục vụ khách tham quan du lịch và đón nhận những phản hồi tích cực từ các du khách trong nước và quốc tế.
Nổi bật là chương trình "Đêm Võ đài Bình Định" được Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định tổ chức nhằm hưởng ứng cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, với thể thức đấu đối kháng giữa võ sỹ từ các võ đường nổi tiếng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Năm Châu (Gia Lai), Trần Thiên Dũng (Đắk Lắk), Đinh Đà (Quảng Ngãi)... đan xen với những bài biểu diễn quyền, binh khí, đối luyện những bài võ đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa thể thao của người dân và quảng bá võ cổ truyền Bình Định đến bạn bè, du khách gần xa.
Nhằm góp phần nâng cao công tác bảo tồn đồng thời phổ biến rộng rãi các bài quyền, thập bát ban binh khí đặc trưng và giới thiệu chân dung các võ sư, võ nhân tiêu biểu của Bình Định, Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật Cổ truyền Bình Định, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết sở đang tích cực phối hợp với các cấp, ngành để phấn đấu xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ quốc gia về Võ Cổ truyền Bình Định để trình UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
"Chúng tôi đã và đang triển khai các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức các lớp tập huấn, bước đầu thu thập các nguồn thông tin về các dòng võ phái trong và ngoài tỉnh, nhằm hệ thống và đề xuất phương án lập gia phả võ cổ truyền Bình Định. Trên cơ sở các nguồn tư liệu thu thập được, đơn vị đang tiến hành xây dựng hồ sơ trình UNESCO để được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại," Võ sư Trần Duy Linh nhấn mạnh./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Champions League: Tâm điểm Bayern Munich 'đại chiến' Paris Saint-Germain
Bế mạc Giải Quần vợt quốc tế ITF U18 - J30
Italy bảo vệ thành công chức vô địch Davis Cup
Công bố sớm 50 môn thi đấu tại SEA Games 33
HLV Amorim tự tin là người phù hợp, đặt mục tiêu vô địch cùng Manchester United
Tìm đội hình chiến thuật cho tuyển Việt Nam tại ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Super Sunday giữa Man City - Tottenham: Điểm tựa Etihad
Nadal: Davis Cup là một sự khép lại trọn vẹn
Giới thiệu Võ cổ truyền đến với người dân và du khách
Viktor Gyokeres - Cái tên ‘siêu hot’ của bóng đá châu Âu