Chuyên gia: Việt Nam chủ động bước lên tuyến đầu thúc đẩy phát triển bền vững
19/04/2025 09:52
Theo Giáo sư Marwah thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ), Việt Nam đã chủ động bước lên tuyến đầu, thể hiện quyết tâm trở thành quốc gia tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững.
Phiên thảo luận cấp cao "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh
Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 16/4, Giáo sư Reena Marwah thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ), đã có bài phân tích về việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) năm 2025.
Theo Giáo sư Marwah, quyết định của Việt Nam đăng cai hội nghị P4G từ ngày 14-17/4 là một bước đi mang tính chiến lược và kịp thời đối với cả Việt Nam và toàn cầu.
Trong bối cảnh các cam kết khí hậu từ các cường quốc đang có dấu hiệu chững lại, Việt Nam đã chủ động bước lên tuyến đầu, thể hiện quyết tâm trở thành quốc gia tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững. Hội nghị lần này không chỉ đơn thuần là một cuộc gặp ngoại giao, mà còn là lời kêu gọi hành động nhằm huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ đối tác và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh công bằng.
Hội nghị P4G được tổ chức vào thời điểm mang tính bước ngoặt. Khi thế giới đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc tài trợ cho hành động khí hậu - đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển - vai trò đi đầu của Việt Nam đã trở thành một điểm sáng đầy hy vọng.
P4G tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp dựa trên thị trường nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực như khả năng thích ứng khí hậu, hệ thống lương thực, an ninh nguồn nước, năng lượng và kinh tế tuần hoàn.
Ý nghĩa của hội nghị càng được nhấn mạnh bởi thời điểm diễn ra, khi các cam kết tài chính khí hậu từ các nước phát triển ngày càng bị trì hoãn, điều chỉnh hoặc thu hẹp, dẫn đến khoảng cách niềm tin nghiêm trọng đang hình thành trong hợp tác khí hậu toàn cầu.
Các nước đang phát triển như Ấn Độ và Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép: phát triển kinh tế trong khi phải thích ứng và đối phó biến đổi khí hậu - thường với nguồn lực nội địa hạn chế.
Trong bối cảnh này, mô hình hợp tác công-tư của P4G trở thành một hướng đi bổ sung, thậm chí là thiết yếu, để huy động đổi mới sáng tạo và nguồn vốn - điều mà các kênh tài chính truyền thống hiện chưa thể đáp ứng ở quy mô cần thiết.
Hội nghị P4G chính là diễn đàn lý tưởng để đưa ra một thông điệp rõ ràng và thuyết phục về việc mở rộng đầu tư vào nền kinh tế xanh đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam - từ hạ tầng năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, đến phương tiện giao thông điện và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Giáo sư Marwah nêu rõ Việt Nam đang khởi xướng một mô hình hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm chung và cam kết thực chất, nơi giá trị của một quốc gia không được đo bằng GDP, mà bằng hành động khí hậu cụ thể và tinh thần hợp tác.
Tầm nhìn về một chủ nghĩa đa phương công bằng và bao trùm do Việt Nam thúc đẩy có thể mang lại một hướng đi mới - cần thiết và đầy hy vọng - cho trật tự khí hậu toàn cầu./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
HLV CAHN không muốn Quang Hải đấu Manchester United
Indonesia sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ, giảm đơn đặt hàng từ các nước khác
Premier League gay cấn khi được 5 suất dự Cúp C1
Viktor Lê giúp Hà Tĩnh đánh bại HAGL ngay tại Pleiku
Lý do 2 cầu thủ MU bỏ ngang trận đấu với Lyon
MU thắng nghẹt thở Lyon: Điệu rock điên cuồng của Quỷ đỏ
U17 Uzbekistan thắng đậm U17 Triều Tiên, vào chung kết châu Á
MU loại Lyon theo kịch bản khó tin
Lịch thi đấu vòng 19 V-League 2024/25 mới nhất
Chelsea vào bán kết Conference League dù thua trận