Xuất nhập khẩu hàng hóa tuột mốc 700 tỷ USD

30/12/2023 07:10

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, ngày 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, năm 2023 có lẽ là một năm đáng nhớ với ngành ngoại thương Việt Nam, bởi kim ngạch xuất nhập khẩu - do ảnh hưởng của cầu thế giới đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh

Hàng nhập khẩu qua cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Như vậy, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã bị tuột mốc 700 tỷ USD đạt được trong năm ngoái.

Tuy nhiên, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã xuất siêu tới 28 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, cao hơn nhiều so với con số 12,1 tỷ USD của năm ngoái.

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 32,91 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, con số đạt được ước là 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước; trong đó, riêng trong quý IV/2023, ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với quý III năm 2023. Xu hướng phục hồi đã bắt đầu từ quý IV.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2023, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%. Trong năm 2023, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 30,63 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước.

Trong đó, riêng quý IV/2023, con số là 90,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,3% so với quý III năm 2023. Cũng như xuất khẩu, bắt đầu từ quý IV/2023, nhập khẩu cũng dần phục hồi, tuy còn khó khăn.

Trong tổng kim ngạch nhập khẩu của năm 2023, khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%.

Trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%.

Với kết quả này, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã xuất siêu tới 28 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất siêu cao chủ yếu do nhập khẩu giảm và điều này xuất phát từ xu hướng giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất, do đơn hàng giảm. Điều này cho thấy nền kinh tế, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

Tuy vậy, trong khi thương mại hàng hóa có xuất siêu lớn, thì Việt Nam tiếp tục nhập siêu dịch vụ. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý IV/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 6,5% so với quý trước. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,4% so với quý trước.

Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 19,59 tỷ USD, tăng 44,9% so với năm 2022, trong đó dịch vụ du lịch đạt 9,2 tỷ USD (chiếm 46,7% tổng kim ngạch), gấp 2,9 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 28,1%), giảm 1,8%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ cả năm 2023 ước đạt 29,06 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt 12,6 tỷ USD (chiếm 43,3% tổng kim ngạch), giảm 0,4%; dịch vụ du lịch đạt 7,8 tỷ USD (chiếm 26,9%), tăng 17,3%.

 

Với kết quả này, nhập siêu dịch vụ năm 2023 là 9,47 tỷ USD. Như vậy là tính tổng thể xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ, Việt Nam vẫn đang xuất siêu tới 18,53 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề xuất các giải pháp: Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch.

Bên cạnh đó, ngành công thương phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Vì vậy, khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn.

Mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất carbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường... từ thị trường nhập khẩu. Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác.

Cùng với đó, ngành công thương cần giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; đồng thời, thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác như triển khai nhiều hơn các chương trình giúp doanh nghiệp của các đối tác lớn tiếp cận được với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, cần có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đặc biệt cần giảm thuế cho các mặt hàng máy móc, thiết bị từ các thị trường mà Việt Nam đang có thặng dư thương mại…

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới