Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc: Từ khó khăn đến tạo chuỗi giá trị bền vững

25/11/2023 13:12

Khó khăn trong các thủ tục truy xuất nguồn gốc quá trình nuôi tôm hùm bông là nguyên nhân khiến việc xuất khẩu loài này sang Trung Quốc bị ngừng lại thời gian qua.

Nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam phát triển tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nuôi cả nước.

Mặc dù vậy, nhiều năm nay, từ nhà nông, nhà khoa học cho đến nhà quản lý vẫn đang loay hoay trong vòng luẩn quẩn với việc kiểm soát nguồn giống và tìm đầu ra ổn định.

Vừa mới thoát khỏi khủng hoảng thị trường do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 không lâu, tôm hùm bông của Việt Nam lại đang gặp phải khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc ách tắc là do vấn đề chứng minh quá trình nuôi trồng.

Tôm hùm là nghề nuôi trồng thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao ở Khánh Hòa và Phú Yên. Hai địa phương này được mệnh danh là “thủ phủ tôm hùm” của Việt Nam.

Thế mạnh là vậy, nhưng thực tế hiện nay người nuôi chưa chủ động được nguồn tôm hùm giống, nguy cơ dịch bệnh khá cao. Điều này dẫn đến tôm nuôi hao hụt rất lớn và gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Chưa chủ động được nguồn giống

Tại tỉnh Khánh Hòa, tổng số trại ương dưỡng giống tôm hùm là 24 cơ sở (Cam Ranh 23 cơ sở, Vạn Ninh 1 cơ sở) với sản lượng 15 triệu giống/năm.

Ông Huỳnh Văn Hưng - Phó phòng Kinh tế thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) - cho biết địa phương có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm các loại, tuy nhiên đến nay trong nước chưa chủ động nguồn giống nên nhập khẩu giống hoàn toàn.

Trước sự phát triển của nghề nuôi tôm hùm, Khánh Hòa định hướng quy hoạch vùng tập trung nuôi tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh với 230ha trên biển.

ttxvn_2411_tom hum (3).jpg

Lồng bè nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Những năm gần đây, nguồn con giống từ tự nhiên giảm rõ rệt (còn dưới 10% nhu cầu giống hằng năm). Còn lại phụ thuộc từ nguồn con giống nhập khẩu nước ngoài.

Nguồn giống nhập về thông qua các thương lái tại tỉnh Khánh Hòa rồi chuyển về bán cho người nuôi tôm ở Phú Yên.

Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn thị xã Sông Cầu mới chỉ có 1 cơ sở đủ điều kiện nhập khẩu, cách ly tôm hùm giống và cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm được khoảng 100.000 con giống.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, nguồn gốc tôm hùm giống hiện nay chủ yếu là nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia.

Do nhu cầu về con giống tăng qua các năm nên lượng giống tôm hùm nhập khẩu ngày càng tăng.

Trong năm 2022, số lượng tôm hùm giống nhập về Khánh Hòa nhiều hơn so với năm 2021 với số lượng khoảng 83 triệu con, số lượng tôm hùm giống nhập về Khánh Hòa 9 tháng năm 2023 là 59 triệu con. Đối tượng giống nhập là tôm hùm xanh, tôm hùm bông.

Các tháng đầu năm 2023, giá giống tôm hùm xanh (tôm trắng) 40.000-50.000 đồng/con, tôm bông (tôm trắng) 100.000-150.000 đồng/con.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc ngừng thu mua tôm hùm bông làm giá con giống cũng thay đổi.

Hiện nay, giá giống tôm hùm xanh (tôm trắng) 50.000 đồng/con, tôm bông (tôm trắng) 27.000 đồng/con.

Tôm hùm được nuôi trong môi trường mở, khó kiểm soát được mầm bệnh từ môi trường, thức ăn tự nhiên...

Đặc biệt, do nguồn con giống chủ yếu được nhập từ nước ngoài nên tôm cũng mắc nhiều loại bệnh không thể kiểm soát.

Theo tính toán của người dân nuôi tôm hùm, một lồng nuôi có diện tích bề mặt gần 10m2 sẽ thả trên 150 con tôm hùm giống. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt do tôm chết trong quá trình nuôi rất cao, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm.

ttxvn_2411_tom hum (2).jpg

Phân loại tôm hùm bông trước khi xuất bán cho thương lái. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Là người có nhiều năm nuôi tôm hùm, ông Nguyễn Văn Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chia sẻ, tỷ lệ rủi ro nuôi tôm hùm hiện nay rất cao. Trong một lồng bè nuôi, tôm chết chiếm tỷ lệ từ 30-50%, có trường hợp bị dịch bệnh khiến tôm chết hết.

Cùng hoàn cảnh đó, ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cho biết tôm hùm lợi nhuận cao nhưng lại là loài nuôi nhiều rủi ro về dịch bệnh.

Các loại bệnh thường gặp như bệnh sữa, đỏ thân và đen mang. Nếu tôm gặp phải những bệnh này sẽ chết hàng loạt, chỉ trong thời gian ngắn nhiều người nuôi có thể thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tôm hùm bông thường dễ mắc các bệnh hơn tôm xanh. Do nguồn gốc giống tôm hùm chưa được xác định, xác nhận một cách cụ thể; việc kiểm tra, kiểm soát còn nhiều bất cập, nên dễ gây ra tình trạng tôm thả xuống phát sinh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, quá trình bảo quản, vận chuyển từ nước xuất khẩu con giống về Việt Nam đã làm cho con tôm hùm giống hao hụt rất lớn, làm giảm tỷ lệ sống khi thả nuôi.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho rằng thiếu con giống là yếu tố chính làm cho nhiều hộ nuôi tôm hùm ở địa phương phải ngừng hoặc thả nuôi với số lượng hạn chế, làm giảm sản lượng khi thu hoạch.

Trong trường hợp khan hiếm con giống sẽ dẫn đến tình trạng giá con giống tăng cao, làm gia tăng chi phí sản xuất của người nuôi.

Khi không mua được con giống, người nuôi tôm hùm muốn tiếp tục duy trì nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè phải chuyển sang nuôi đối tượng khác như cá biển, nhuyễn thể.

Bấp bênh “đầu ra” cho tôm hùm

Theo Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra mục tiêu đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.

Thế nhưng, đầu ra cho tôm hùm mới chỉ xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc, số ít còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa.

ttxvn_2411_tom hum (4).jpg

Niềm vui của người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) khi chuẩn bị xuất mẻ tôm hùm khỏe và đủ trọng lượng tiêu chuẩn ra thị trường. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Từ tháng 9/2023 trở lại đây, giá bán tôm hùm bông tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa giảm mạnh vì không có đầu ra.

Khó khăn trong các thủ tục truy xuất nguồn gốc quá trình nuôi tôm hùm bông là nguyên nhân khiến việc xuất khẩu loài này sang Trung Quốc bị ngừng lại thời gian qua.

Từ tháng 5/2023, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo (nội bộ) tới Cơ quan Hải quan địa phương về quy định này để thực hiện. Vì vậy, để xuất khẩu được tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần phải chứng minh được là tôm không đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2).

Nếu như vào tháng 8/2023, tôm hùm bông có giá từ 1,7-1,8 triệu đồng/kg thì bắt đầu từ tháng 9/2023 đến nay giá tôm hùm bông giảm xuống giá 1-1,1 triệu đồng/kg đối với tôm loại 1; tôm loại 2 giá chỉ còn dưới 1 triệu đồng.

Nhiều lồng nuôi tôm hùm bông đến kỳ xuất bán nhưng người dân vẫn đang chờ thêm thời gian cho đến khi giá có thể tăng cao trở lại.

Tuy vậy, nếu kéo dài thêm thời gian nuôi thì khả năng tôm chết là rất cao. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đang vào mùa mưa lũ khiến cho tỷ lệ rủi ro càng tăng lên. Nhiều hộ người nuôi tôm đã phải “bán đổ, bán tháo” để “cắt lỗ.”

Anh Lê Nguyên Quốc, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đang rất lo lắng. Gia đình anh Quốc thả nuôi 50 lồng với tổng cộng gần 150 con/ô, lồng tôm hùm bông; thời gian bắt đầu thả nuôi từ tháng 11/2022, vốn đầu tư từ con giống đến thức ăn đến nay khoảng 2-3 tỷ đồng.

Với giá tôm hùm bông giảm sâu như hiện nay, vụ tôm năm nay gia đình anh thua lỗ gần 1 tỷ đồng.

Chu kỳ nuôi tôm hùm bông kéo dài hơn tôm hùm xanh đến hơn 6 tháng, tức để phải mất 14 tháng tôm hùm bông mới đạt kích cỡ từ 0,7-1 kg/con để có thể xuất bán.

Đầu ra cho tôm hùm lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và vấn đề mở rộng thị trường nội địa cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, khuyến cáo người nuôi tôm hiện tại nếu chưa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì cũng cần tìm hiểu thêm thị trường trong nước.

ttxvn_2411_tom hum.jpg

Tôm hùm giống được khai thác ở vùng biển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chợ thương mại. Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất và hỗ trợ người nuôi tôm tìm kiếm thị trường ổn định, không để quá phụ thuộc vào một thị trường để tránh rủi ro trong quá trình thu mua, vận chuyển và xuất bán.

Rõ ràng, để giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ cho tôm hùm giá "triệu đô," cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận thị trường và mở rộng đối tác thương mại.

Sự hỗ trợ từ cấp trên và hợp tác giữa người nuôi, doanh nghiệp với các cơ quan chức năng địa phương là quan trọng để tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và bền vững cho ngành nuôi tôm hùm tại Việt Nam nói chung và hai địa phương Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng...

Xây dựng mã số vùng nuôi

Tại cuộc làm việc mới đây của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với Vụ Giám sát Kiểm dịch Động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu tôm hùm bông, cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông vào Trung Quốc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm, nguy cấp và các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh quá trình nuôi trồng (từ con giống) đáp ứng yêu cầu.

Các cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải được phía Trung Quốc tổ chức kiểm tra và có trong Danh sách các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Do đó, việc cần thiết để tôm hùm rộng cửa xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị là xây dựng mã số vùng nuôi, giúp truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, tỉnh Phú Yên được thành lập đầu năm 2023 với 35 thành viên tham gia, chủ yếu là người dân nuôi tôm hùm trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, hợp tác xã đã thu hoạch khoảng 120 tấn tôm hùm; trong đó có 30 tấn của các thành viên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để nâng giá trị cho tôm hùm, hợp tác xã đang hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và mục tiêu cuối cùng là đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch.

Theo ông Trần Văn Thơm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hợp tác xã đang từng bước đáp ứng các yêu cầu đầu vào con giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.

Sản phẩm tôm hùm của thành viên hợp tác xã khi xuất khẩu cũng phải có mã code riêng chứ không phụ thuộc vào đơn vị trung gian nào.

Từ nhiều năm nay, việc sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại các vùng nuôi ở Khánh Hòa, Phú Yên gặp nhiều khó khăn.

Các vùng nuôi tôm hùm chủ yếu gần bờ, ven đảo, đầm, vịnh; ngư dân nuôi tôm hùm theo quy trình truyền thống.

Công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Là Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, ông Trần Minh Hiền nhận định bài học đắt giá khi nuôi là nguồn gốc giống tôm phải đảm bảo, môi trường nuôi ổn định.

Ngoài ra, hiện nay phía Trung Quốc yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của tôm hùm giống.

Tổ hợp tác mong muốn chính quyền địa phương sớm hình thành chuỗi liên kết để người dân yên tâm nuôi trồng.

Trước việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, khuyến cáo người nuôi tôm hùm chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về thị trường tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tuân thủ các quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm khi đến kích cỡ thu hoạch.

Trước mắt nên lựa chọn đối tượng nuôi theo hướng giảm tôm hùm bông, tăng tôm hùm xanh.

Người nuôi tôm phải thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.

Các hộ nuôi tôm hùm phải nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Mở rộng thị trường và chế biến sâu

Toàn tỉnh Phú Yên sẽ duy trì ổn định khoảng 110.000 lồng bè nuôi tôm hùm kể cả tôm giống và tôm thương phẩm; 3 vùng nuôi chính là: vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), Vũng Rô (thị xã Đông Hòa) và vùng biển hở thuộc huyện Tuy An.

Theo quy hoạch, tỉnh Phú Yên giảm số lượng lồng bè nuôi tôm, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để đầu ra cho tôm hùm không quá phụ thuộc vào một thị trường, Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đang xúc tiến để xuất khẩu tôm hùm sang Hàn Quốc và một số nước khác trên thế giới.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu cho biết, địa phương đang phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và các cơ quan liên quan để hoàn thiện chuỗi giá trị tôm hùm.

Các cơ quan chuyên môn cũng sẽ tập huấn cho người nuôi tôm về lựa chọn con giống, quy trình nuôi đảm bảo; liên kết với các công ty cung cấp giống và thức ăn. Sau đó, địa phương sẽ lập mã vùng nuôi, xây dựng mã Code để xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm tôm hùm.

Để mở rộng thị trường cho tôm hùm, bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, đề xuất các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm cần tham dự các hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm, tiến đến mở rộng thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó, các công ty cũng cần nghiên cứu và tìm đối tác liên kết để chế biến sản phẩm tôm hùm đa dạng hơn.

Tôm hùm không chỉ xuất khẩu tôm sống mà có thể xuất khẩu dưới dạng cấp đông. Từ đây sản phẩm tôm hùm xuất khẩu cũng trở nên đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên cơ sở các vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển được quy định tại Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, địa phương này đang triển khai sắp xếp lại số lượng lồng bè nuôi tôm hùm ven bờ, thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống và phục vụ truy xuất nguồn gốc; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm tập trung, thực hiện thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để đảm bảo sức tải không ô nhiễm môi trường, vừa tạo mỹ quan môi trường vùng nuôi.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đang nỗ lực xây dựng mô hình liên kết và sản xuất tôm hùm trên cơ sở triển khai dự án “Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm” do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì. Vừa qua, VIFEP đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tác nhân tham gia mô hình.

Trong thời gian tới, khi mô hình liên kết và sản xuất tôm hùm phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ, xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh ngành nuôi tôm hùm tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc xây dựng chuỗi giá trị là một bước quan trọng để giúp nâng cao sức cạnh tranh và ổn định thị trường.

Hiện nay, hầu hết các mô hình nuôi tôm hùm ở Việt Nam vẫn quy mô nhỏ và chưa kết nối chặt chẽ với chuỗi giá trị hàng hóa, dẫn đến khả năng đứng vững kém./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới