Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm hơn 11% trong 5 tháng qua
30/05/2023 07:21
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,96 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đạt 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng khi Trung Quốc mở cửa trở lại; xuất khẩu sang Nhật Bản, khu vực châu Á tăng trở lại.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Bởi vậy, trong 5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nên tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm mạnh. Trong số đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%.
Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn như: gạo tăng 49%, rau quả tăng 39%; hạt điều tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm tăng trên 59%, cà phê tăng nhẹ 0,2%...
Cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: cao su giảm 24%, chè giảm gần 19%, hồ tiêu giảm gần 10%, sắn và sản phẩm sắn giảm 14,3%, cá tra giảm 40,7%, tôm giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,3%...
Nguyên nhân giá xuất khẩu bình quân giảm, cụ thể: hồ tiêu giảm 34,9%; cao su giảm 21,5%; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 12,0%...
Về thị trường xuất khẩu, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ tới các thị trường thuộc khu vực châu Á tăng 2,3%. Còn khác thị trường khác đều có giá trị giảm như: châu Mỹ giảm 34,6%; châu Âu giảm 13,2%; châu Phi giảm 5,6%; châu Đại Dương giảm 28%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất. Trong số đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.
Trong nước, các mặt hàng quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại sắp vào vụ thu hoạch như: xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...
Các đơn vị tổ chức các diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu rau gia vị và gia vị sang thị trường EU; các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch trong tháng 6 như: vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh...
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bến Tre: Người nuôi tôm thẻ chân trắng “treo ao” chờ giá để sản xuất
Xuất khẩu cà phê sẽ chậm lại do nguồn cung không dồi dào
Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP quý 3 sẽ tiếp tục phục hồi
Xuất khẩu cá tra: Mức giảm thu hẹp, các thị trường nhỏ tăng trưởng khá
Xuất khẩu điều kỳ vọng sức bật mạnh hơn vào cuối năm
Tiền Giang: Giá dừa trái tăng gấp đôi
Ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8 - 15%/năm
Tăng gần 900 đồng, xăng RON95-III chạm ngưỡng 25.750 đồng mỗi lít
Bắt tay ‘đại gia’ bán lẻ: Cơ hội đưa hàng Việt tiến sâu chuỗi cung ứng
Khuyến cáo nông dân bảo vệ nghêu nuôi trước thời tiết bất lợi