Xuất khẩu hướng tới mục tiêu mở rộng và chiếm lĩnh thị trường mới
28/11/2023 15:29
Việt Nam đã tăng thị phần trên thị trường thế giới ở nhiều loại mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa đang gia tăng tỷ trọng trong thương mại thế giới.
Cùng với tiêu dùng và đầu tư, xuất khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trên "cỗ xe tam mã" đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua những thách thức.
Việc tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới đang không ngừng được các doanh nghiệp thúc đẩy với sự hậu thuẫn tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, hướng tới mục tiêu sớm phục hồi kinh tế đất nước.
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2023 ghi nhận, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi, đáp ứng nhu cầu bên ngoài đang ngày càng tăng cao.
Dù tình hình xuất khẩu luôn có dấu hiệu cải thiện kể từ tháng 5 trở lại đây nhưng lũy kế trong 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, chỉ báo này lại cho thấy những tín hiệu tích cực, phản ánh khả năng cạnh tranh cao của nhiều mặt hàng, dịch vụ xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng xuất khẩu đã chứng tỏ tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu hoặc khả năng duy trì và tăng thị phần toàn cẩu của các nhà sản xuất trong nước đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của mình.
Hai thước đo phổ biến để đánh giá khả năng cạnh tranh là độ co giãn của cầu đối với mặt hàng xuất khẩu theo giá và theo thu nhập.
Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Với những chỉ số được ghi nhận cho thấy Việt Nam đã tăng thị phần trên thị trường thế giới ở nhiều loại mặt hàng; Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa đang gia tăng tỷ trọng trong thương mại thế giới; Việt Nam đang "cực kỳ" cạnh tranh về giá và đang tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường với những mặt hàng có lợi thế và tăng trưởng nhanh...
“Với việc tập trung thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam đã đúng khi theo đuổi chính sách tự lực thông qua hội nhập, nhằm tăng thị phần đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, bao gồm cả những hàng hóa và dịch vụ có lợi thế mà nhu cầu thế giới đang ngày càng tăng cao”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam có thể sẽ mất khả năng cạnh tranh trong một số mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm về giá, nhất là những ngành hàng sản xuất thâm dụng lao động hay như ngành nông nghiệp.
Điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc phải nhanh chóng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường mới khi nhu cầu có thể sẽ ngày càng tăng lên.
Để có thể thúc đẩy và phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững và nâng tính cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với định hướng phát triển xuất khẩu theo các nhóm hàng cụ thể để phát huy lợi thế so sánh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc thân thiện với môi trường..., việc cần xây dựng những giải pháp cho phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, mở rộng hơn các thị trường xuất khẩu để đảm bảo hợp lý hóa cán cân thương mại với các nước đối tác là rất quan trọng lúc này.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại và chống gian lận, hướng tới thương mại công bằng; đồng thời, huy động và sử dung hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu và nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics....
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, muốn tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu Việt Nam; nhất là đối với nhóm ngành hàng dệt may, về phía doanh nghiệp, thời gian tới sẽ tập trung đầu tư tự động hóa để gia tăng năng suất và hiệu quả, giảm chi phí lao động, cải thiện chất lượng và độ chính xác nhất quán trong sản phẩm.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đạt mục tiêu áp dụng tự động hóa toàn diện để có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu tăng thêm nhưng chỉ cần thêm 30 nghìn lao động từ sau năm 2025.
Cùng với đó là chiến lược số hóa trong quản trị; tranh thủ cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đa dạng hóa nguồn cung ứng đầu vào và mở rộng thị trường tiềm năng mới.
Ngành dệt may cũng sẽ chuyển dịch sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng kế hoạch đầu tư công nghệ, hạ tầng, nguồn nhân lực có kỹ năng và được đào tạo bài bản, kỹ càng, sẵn sàng cho sự chuyển dịch này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong khai thác, mở rộng quan hệ, thị trường và khách hàng mới thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tập dụng các Hiệp định Thương mại Tự do và ký kết các biên bản hợp tác... ; xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, bền vững như các gói hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp xanh, gói tín dụng ưu đãi cho các công trình sản xuất xanh.
Ngành dệt may cũng rất cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số, tăng tính liên kết để tham gia sân hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa các khâu để phù hợp với yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Như vậy, để chuẩn bị cho sự thay đổi về lợi thế cạnh tranh xuất khẩu quốc gia, Việt Nam cần sớm có định hướng phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, sản xuất xanh và thân thiện với môi trường.
Khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không chỉ vượt qua được các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu mà còn xây dựng được thương hiệu, hình ảnh và uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Trái ngọt trên núi đá được mùa, được giá
Người trồng dứa Kiên Giang trúng mùa được giá, thu lời hơn 120 triệu đồng mỗi ha
UOB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,6%
Bình Dương ước đạt kỷ lục xuất siêu 10 tỷ USD trong năm 2024
Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với chế biến sản phẩm rong biển
Thương hiệu SJC giảm tới 500.000 đồng mỗi lượng, tỷ giá USD cũng đi xuống
Số hóa chăn nuôi giảm phát thải
Giá gas bán lẻ trong nước giữ nguyên sau 4 tháng tăng liên tiếp
Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long neo ở mức cao do nhu cầu tăng
Kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025