Xu hướng tăng lãi suất huy động dần giảm nhiệt
05/10/2024 16:50
Xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại hiện đang có dấu hiệu giảm nhiệt khi biểu lãi suất huy động nhìn chung không có sự thay đổi đáng kể so với tháng 9.
Hiện lãi suất huy động cao nhất hệ thống đang được niêm yết tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) ở mức 9,5%/năm khi khách hàng gửi tiền tại quầy. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 12 đến 13 tháng.
Tương tự, các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank)... đều áp dụng chính sách "lãi suất đặc biệt" dành cho các khoản tiền gửi lớn, cao hơn từ 2-2,5%/năm so với các khoản tiền gửi thông thường khác.
Theo đó, tại HDBank, khách hàng gửi tiền từ 500 tỷ đồng trở lên sẽ được áp dụng mức lãi suất "đặc biệt" cho kỳ hạn 13 tháng là 8,1%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm. Cùng với số dư từ 500 tỷ đồng, MSB áp dụng lãi suất 7% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Còn với số dư tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên, DongA Bank áp dụng lãi suất đặc biệt 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Đối với nhóm ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động vẫn được duy trì mà không có sự thay đổi, cao nhất chỉ 4,7%/năm.
Trước đó, vào cuối tháng 9, DongA Bank vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng tăng thêm 0,1%/năm lên dao động từ 3,9-4,1%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 6-8 tháng đã tăng mạnh thêm 0,35%/năm lên mức 5,55%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 9-11 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên mức 5,7%/năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tiếp tục áp dụng chính sách cộng lãi suất theo số tiền gửi tại các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Cụ thể, với các khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất được cộng thêm 0,05%/năm; từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng được cộng 0,1%/năm; và từ 1 tỷ đồng trở lên được cộng thêm 0,15%/năm.
Ngược lại, diễn biến giảm lãi suất huy động lại được ghi nhận tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với mức giảm từ 0,1-0,4%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng.
Theo các chuyên gia, việc lãi suất huy động có xu hướng giảm nhiệt diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại sau giai đoạn bứt phá mạnh vào cuối quý II. Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/9 mới đạt 7,38%, sau khi tăng tốc đạt mức 6% vào cuối tháng 6. Mặc dù kết quả này đã tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm.
Báo cáo ngành ngân hàng quý III/2024 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo rằng xu hướng tăng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khó tiếp tục và có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc thậm chí giảm nhẹ vào cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi các diễn biến thiên tai gần đây.
Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, vẫn còn áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất huy động nhằm thu hút vốn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Nhóm ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và cơ cấu huy động vốn thiếu linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc duy trì lãi suất.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống duy trì ở mức cao sẽ có thể tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới. Một số ngân hàng TMCP nhỏ có thể phải nâng lãi suất nhằm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Ngoài ra, nhu cầu huy động vốn để đáp ứng tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thường tăng cao vào cuối năm cũng có thể thúc đẩy việc tăng lãi suất huy động. Nhu cầu tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng được kỳ vọng sẽ duy trì tốt trong nửa sau của năm 2024, do đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay lớn vào lĩnh vực này cần điều chỉnh chính sách huy động để đảm bảo nguồn vốn phù hợp cho tăng trưởng tín dụng.
Không khó để nhận ra sự phân hóa về lãi suất giữa các nhóm ngân hàng trong thời gian tới. Các ngân hàng lớn, có vị thế vững mạnh về vốn, có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp, trong khi các ngân hàng nhỏ và thiếu nguồn vốn ổn định sẽ phải đưa ra chính sách lãi suất hấp dẫn hơn nhằm thu hút khách hàng.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
10 tháng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%
Xuất khẩu thủy sản tăng tốc trở lại: Tự tin vượt mục tiêu 10 tỷ USD
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đứng đầu khu vực
Giá gà ta giảm giá mạnh, nhiều trang trại ngưng nuôi Tết
Thách thức bủa vây công cuộc 'xanh hoá' ngành dệt may, da giày
Doanh thu ngành vật liệu xây dựng ước đạt 47 tỷ USD
Áp dụng kỹ thuật mới cho mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo
'Việt Nam thu hút làn sóng mới về đầu tư vào các ngành có giá trị cao'
Sản xuất công nghiệp tháng Mười tăng trưởng khả quan so cùng kỳ
Tín hiệu dòng vốn đầu tư khả quan cả về nguồn ngân sách và FDI