Xây dựng hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ

30/09/2024 13:59

Nông dân tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững... Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh.

Chú thích ảnh

Nông dân tỉnh Đồng Tháp tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương như rơm, lục bình, phân bò… để làm phân hữu cơ. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 131.000 hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện nhân rộng mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất", các huyện Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông và Tháp Mười vận động hội viên, nông dân xây dựng 108 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã thực hiện dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức Seed to Table, Nhật Bản hỗ trợ. Dự án đã thành lập được 9 nhóm sản xuất có 24 hộ tham gia với 5,3 ha trồng rau sử dụng phân bón hữu cơ. Sản phẩm rau đã được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá bao tiêu từ 20.000 - 50.000 đồng/kg; cao hơn so với sản xuất thông thường từ 2-7 lần.

Tiêu biểu trồng nhãn theo hướng hữu cơ ở huyện Châu Thảnh có diện tích hàng trăm ha. Ông Huỳnh Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hoà, huyện Châu Thành cho biết: Người trồng nhãn trước đây đa số chỉ bón phân vô cơ, nên năng suất và chất lượng không cao, chỉ đạt 15-20 tấn/ha, giá thu mua lại thấp.

Từ khi chuyển qua trồng theo hướng hữu cơ, năng suất nhãn tăng đến 30 tấn/ha, diện tích trồng nhãn hữu cơ, nông dân lãi hơn 600 triệu đồng/ha. Hợp tác xã hướng nông dân chuyển dần sang hướng bón phân hữu cơ, qua đó nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng cao, qua đó trái nhãn được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, huyện Tam Nông với diện tích 14 ha, có 10 thành viên tham gia. Sau khi thu hoạch các thành viên thu lại lượng rơm trên đồng để sản xuất nấm rơm; phần rơm, rạ còn lại được xử lý bằng chế phẩm Trichoderma spp để phân hủy nhanh, trả lại dinh dưỡng cho đất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với rơm sau khi sản xuất nấm được tái sử dụng để làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ truyền thống, sau đó bón trở lại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Ông Phan Hoàng Em - Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Thọ cho biết: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Năng suất bình quân của mô hình thực hiện tăng bình quân từ 10 - 15% so với phương thức sản xuất cũ. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh, đồng thời, mô hình còn giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển.

Nhiều hộ nông dân mở rộng mô hình làm phân bón hữu cơ để bón cho lúa và cây ăn trái, ông Huỳnh Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết, mô hình “Tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” được Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện.Xã có 32 hộ tham gia mô hình đều thực hiện có hiệu quả, trong đó những hộ có nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng lớn có thể ủ từ 3 - 5 tấn nguyên liệu/năm để cho ra trên 1 tấn phân bón hữu cơ từ lượng phụ phẩm, các nguyên liệu thường dùng như: ốc, cá, lục bình, rau, củ, quả....

Về hiệu quả của mô hình, đối với cây ăn trái bón phân hữu cơ có thể giảm hơn 60% chi phí nhờ giảm lượng phân bón vô cơ. Ngoài ra, việc sử dụng phân hữu cơ cho cây còn giúp cải tạo đất, phục hồi cây lão hóa, tăng năng suất, trái to, đẹp và có thể kéo dài thời gian bảo quản trái trên cây thêm 15 ngày.

Khi áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, giúp cây phát triển tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh. Sử dụng phân bón hữu cơ giúp các chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất, giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây ăn trái phát triển, giup bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, tạo thương hiệu trái cây sạch, an toàn và được tiêu thụ với giá cao. Riêng sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển cây ăn trái theo hướng hữu cơ hơn 500 ha.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới