Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Kiên Giang gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm 95%
19/11/2023 07:05
Sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 279.000 ha, tỷ lệ gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích trở lên và sản lượng hơn 2 triệu tấn.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 như: Bơm tát, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, lúa giống, phân bón… Đến thời điểm này, tỉnh đã xuống giống hơn 15.000 ha, tập trung ở các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh xây dựng lịch thời vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 sát hợp với từng vùng, tiểu vùng sản xuất trên địa bàn, khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống sớm để tránh thiếu nước ngọt cuối vụ và gieo sạ dứt điểm vào cuối tháng 12/2023. Tỉnh vận động, khuyến cáo nông dân sử dụng hạt giống cấp xác nhận để gieo trồng, lựa chọn giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản gieo sạ như: Đài thơm 8, ĐS1, OM18, ST24, RVT, OM5451, ST25, Jasmine 85…
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương xây dựng tổ chức liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, vận động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, công ty tham gia chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa thuận lợi, doanh nghiệp thu mua có phần cao hơn giá thị trường bình thường do có kiểm soát dư lượng và sản xuất an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo sang các thị trường có yêu cầu cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản…
Tiếp đến, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó, có vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang chủ động vận hành phù hợp hệ thống cống ven biển Rạch Giá - Kiên Lương, ven sông Cái Bé, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, vùng U Minh Thượng và đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt nhằm kiểm soát, điều tiết tốt nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống cống phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương vùng dự án này, điều tiết nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất hiệu quả.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng hạt giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi cập nhật thông tin về dịch hại trên cây lúa, tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu gieo trồng, bón phân, phun thuốc… với công nghệ tiên tiến hơn, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ; đồng thời, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hiệu quả nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo hàng hóa.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan