Trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập cao trên đất trũng phèn

07/07/2024 07:27

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm, thị xã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, trong đó, có sản phẩm trà, bánh, mứt từ mãng cầu xiêm.

Hợp tác xã Kiên Hòa (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) trồng hơn 35 ha mãng cầu xiêm, trung bình cung cấp hơn 700 tấn trái/năm cho thị trường. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Hợp tác xã Kiên Hòa (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) trồng hơn 35 ha mãng cầu xiêm, trung bình cung cấp hơn 700 tấn trái/năm cho thị trường. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

 

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mô hình trồng mãng cầu xiêm là một trong những mô hình hiệu quả trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; địa phương xác định ưu tiên đầu tư phát triển mô hình trồng mãng cầu xiêm và các sản phẩm từ trái mãng cầu trong thời gian tới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Hơn 12 năm trước, ông Phạm Hữu Huynh (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) mạnh dạn chuyển đổi 1.000 m2 sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình để trồng mãng cầu xiêm.

Hơn hai năm sau, gia đình mới bắt đầu thu hoạch đợt trái đầu tiên với năng suất hơn 3 tấn trái/năm, với giá bán 10.000-15.000 đồng/kg (thời điểm 10 năm trước), trừ chi phí sản xuất thu nhập từ 20–25 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Phạm Hữu Huynh cho biết: “Nếu trước kia trồng lúa 1.000 m2 thu lợi nhuận khoảng 3-4 triệu đồng/năm, đời sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm mang lại thu nhập ổn định ở mức cao hơn 7-8 lần so với trồng lúa nên người dân ai cũng trở nên khấm khá hơn nhiều.”

Cũng theo ông Phạm Hữu Huynh, từ 1.000 m2 ban đầu đến nay gia đình phát triển được gần 1,5 ha cây mãng cầu xiêm, với năng suất trên 35 tấn trái/năm, với giá bán từ 20.000-30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang về cho gia đình trên 400 triệu đồng/năm.

Cũng nhờ trồng cây mãng cầu xiêm mà gia đình anh Đặng Hoàng Tính (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Anh Đặng Hoàng Tính cho hay, gần 10 năm trước khi mới lập gia đình, anh được bố mẹ cho 2.000 m2 đất vườn tạp để sản xuất, nhận thấy trồng mãng cầu xiêm đạt hiệu quả nên anh mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng 300 gốc mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát. Sau gần 3 năm anh thu hoạch đợt đầu tiên gần 6 tấn trái/năm, trừ chi phí gia đình thu lãi trên 70 triệu đồng.

Cũng theo anh Tính, từ lợi nhuận của vụ đầu tiên và những vụ sau đó, gia đình mua thêm đất, xây dựng nhà cửa khang trang và có tiền cho con đi học. Hiện gia đình anh Tính trồng gần 600 gốc mãng cầu xiêm trên diện tích 5.000 m2, thu hoạch từ 15 -20 tấn trái/năm, trừ các khoảng chi phí lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.

Thạc sỹ Lưu Tấn Hòa, Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), cho biết xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) với địa hình vùng trũng thấp, khả năng thoát nước kém, tình trạng úng ngập úng kéo dài vào mùa mưa, mặn xâm nhập vào mùa khô và bị nhiễm phèn.

Do đó, mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát khá phù hợp để phát triển vùng đất nơi đây. Ngành chuyên môn đang tiến hành hỗ trợ nhà vườn về tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, ghép giống cây trồng, phòng trừ sâu bệnh,… đặc biệt xây dựng thêm mô hình để mở rộng diện tích.

Từ mô hình sản xuất hiệu quả, người dân phát triển khá nhiều diện tích nên Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã chỉ đạo ngành chuyên môn tiến hành hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn và thành lập 2 hợp tác xã mãng cầu xiêm với tổng diện tích 50 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Lê Bảo Xuyên, Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Kiên Hòa, thông tin hiện hợp tác xã có 35 ha sản xuất mãng cầu xiêm theo hướng hữu cơ. Hàng năm từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau là vào thu hoạch chính vụ, năng suất bình quân 700 tấn trái/năm; hợp tác xã ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá bán cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg.

Ông Lê Bảo Xuyên thông tin thêm, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, hợp tác xã đã chủ động nghiên cứu và chế biến ra các sản phẩm như: Trà mãng cầu, mứt mãng cầu và rượu mãng cầu,.. từ trái mãng cầu xiêm.

Hiện hợp tác có 2 sản phẩm (Trà mãng cầu Ngọc Trân và Mứt mãng cầu Ngọc Trân) được công nhận OCOP 3 sao và sản phẩm Trà mãng cầu Ngọc Trân cũng đạt sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lê Bảo Xuyên chia sẻ: “ Hàng năm hơn 20% năng suất của hợp tác xã được sản xuất chế biến thành các sản phẩm trà, mứt, rượu cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước và được nhiều người đánh giá cao chất lượng sản phẩm.”

Ông Dương Minh Trung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều cho biết: Công ty đã ứng dụng công nghệ cao trong khâu chế biến trà mãng cầu, mứt mãng cầu, như: Sử dụng nhà kín phơi sản phẩm, máy sấy trà, máy rang trà, máy ép đóng gói...

Ông Dương Minh Trung bày tỏ sau gần 7 năm đi vào hoạt động, hiện công ty Cẩm Thiều là một trong những doanh nghiệp ở Sóc Trăng chuyên về lĩnh vực sản xuất các sản phẩm làm từ trà mãng cầu, với 3 sản phẩm trà mãng cầu đạt OCOP 4 sao đang được người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm, thị xã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, trong đó, có sản phẩm trà, bánh, mứt từ mãng cầu xiêm.

Ủy ban Nhân dân thị xã đã chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ cho người dân tham gia vào chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực và tìm kiếm doanh nghiệp kết nối sản phẩm tạo điều kiện nâng giá trị sản phẩm phát triển bền vững./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới