Triển vọng tích cực với khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế

23/08/2024 10:02

Các chuyên gia nhận định kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân dần củng cố là động lực tích cực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc Hội. (Ảnh: TTXVN)

Các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc Hội. (Ảnh: TTXVN)

 

Với kết quả tăng trưởng khả quan trong chặng đường vừa qua của năm 2024, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống và mới đang được khai thác và phát huy hiệu quả.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế cần đạt tăng trưởng quý 3 đạt từ 6,5% đến 7,4%, nhằm tạo bản lề để hoàn thành và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 với mức tăng trưởng 6,5%-7%.

Có chung quan điểm và nhìn nhận tích cực về tình hình kinh tế-xã hội trong nước trả lời phỏng vấn phóng viên VietnamPlus, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), chỉ ra kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Trên cơ sở đó, niềm tin của doanh nghiệp và người dân dần được củng cố. Ông cho biết nhóm phân tích tại BIDV đưa ra những dự báo về tăng trưởng kinh tế cả năm lạc quan (song có thận trọng hơn một chút so với Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong khoảng 6,5%-6,7%. Trong đó, một số yếu tố như tăng lương cơ sở dự kiến tác động GDP có thêm 0,3%-0,5 điểm phần trăm.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực lưu ý thêm về áp lực lạm phát trong giai đoạn cuối năm 2024, khả năng sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái song nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát với CPI bình quân tăng khoảng 3,8%-4,2%. Nguyên nhân đến từ chi phí đẩy (như năng lượng, nguyên-vật liệu, logistics, học phí, viện phí…) và các yếu tố cầu kéo (như cung tiền).

Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh về những rủi ro thách từ bên ngoài vẫn hiện hữu. Trong đó, khủng hoảng địa chính trị rất khó đoán định với những xung đột tại Ukraine, Biển Đỏ, Trung Đông; Cạnh tranh thương mại và công nghệ giữa các nước lớn; Lạm phát và lãi suất vẫn cao, kinh tế thế giới phục hồi còn chậm và thiếu bền vững; Rủi ro về an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, khí hậu cực đoan…

Về tình hình trong nước, ông Cấn Văn Lực cho rằng một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi chưa đồng đều, đồng thời thể chế cho các động lực tăng trưởng mới (phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng) ban hành chậm so với yêu cầu phát triển. Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trong khi những vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời (về đất đai, bất động sản), công áp lực tài chính (đáo hạn nợ vay và nợ trái phiếu doanh nghiệp) cùng chi phí đầu vào cao (ogistics, giá năng lượng tăng…). Trên thị trường, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mặc dù trong tầm kiểm soát, song thách thức lớn đang đặt ra khi Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ.

Về áp lực lạm phát, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh về những tác động của việc tăng lương (cơ sở và tối thiểu vùng) có thể dẫn đến chi phí đẩy vì vậy cần có giải pháp kịp thời, đồng bộ và dự kiến CPI bình quân cả tăng 4,12%. Bên cạnh đó, nhóm phân tích của CIEM dự báo tăng trưởng GDP cả năm từ 6,55%-6,95%.

Ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ báo cáo nghiên cứu của CIEM chỉ ra một số điểm thuận lợi do kinh tế thế giới có thể phục hồi tích cực hơn (các tổ chức quốc tế có những đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 thể cải thiện hơn so với các dự báo trước đó). Bên cạnh đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm và tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam cùng với những nhu cầu đa dạng hóa về địa điểm đầu tư. Về quản lý, tư duy và khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới dự kiến sẽ được hoàn thiện hơn, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi và khai thác các cơ hội mới. Song, ông Dương cũng cho biết qua điều tra từ CIEM cho thấy khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cải thiện chậm. Thêm vào đó, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp về các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) còn hạn chế.

Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 theo kế hoạch Chính phủ đề ra, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh về cơ bản các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc Hội. Các cấp cần bám sát và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế-tài chính-chính trị quốc tế. Đặc biệt quan tâm đến những rủi ro công nghệ cao, an ninh mạng, lừa đảo với xu hướng mới và tăng cường củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư thông qua bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, thị trường vàng, bất động sản… Việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đi vào thực chất.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng cần tập trung quyết liệt ban hành cũng như thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy….). Đặc biệt là yếu tố con người, trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về mục tiêu tăng trưởng, tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần phát huy hiệu quả động lực truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) đồng thời khai thác tốt hơn các động lực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...) kết hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa và điều hành, phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính-tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhân viên Samsung tại dây chuyền sx các thiết bị 5G (3).JPG

Phát huy hiệu quả động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) đồng thời khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...). (Ảnh: Vietnam+)

Về lâu dài, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị cần thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, như năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.… Các cấp quản lý đẩy mạnh hơn về cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả (như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại các dự án, các tổ chức tín dụng yếu kém) nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường…

Kiến nghị giải pháp, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng trong giai đoạn 2025-2026. Bên cạnh đó, ông Dương khuyến nghị cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2024 và giảm áp lực cho thu ngân sách. Mặt khác, cơ chế ngân sách ở cấp vùng cần phải được nghiên cứu và xây dựng, trong đó cân nhắc thành lập Quỹ đầu tư phát triển vùng. Điều này nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế và cải thiện liên kết vùng. Về thương mại, các ngành nên có nghiên cứu cơ chế thuế phù hợp đối với hàng hóa nhập khẩu (qua kênh thương mại điện tử) để bảo đảm cân bằng giữa các mục tiêu thu thuế, kiểm soát chi phí liên quan đến thu thuế và tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới