Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước
01/07/2024 14:31
Tình hình kinh tế của Bắc Giang tiếp tục khởi sắc và duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm tăng 14,14%, tiếp tục dẫn đầu cả nước.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục xu thế phục hồi tích cực của các tháng cuối năm 2024 với các động lực chính duy trì được mức tăng trưởng cao.
Kinh tế tiếp tục khởi sắc
Bước sang quý 2, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi sắc và duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 2 ước đạt 14,31%, đưa tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng 14,14%, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch.
Khu vực công nghiệp-xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và là động lực chính tác động đến tăng trưởng chung của tỉnh, bởi tỷ trọng của khu vực này chiếm đến gần 73% quy mô giá trị tăng thêm toàn tỉnh.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 18,11%, đóng góp 12,71 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 đến nay. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (tăng trưởng) 6 tháng ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 26,45%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái.
Phân theo địa bàn, sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có tăng trưởng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như Việt Yên 27,23%, Yên Dũng 18,36%, Hiệp Hòa 17,27%, thành phố Bắc Giang tăng 16,3%,…
Khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 1,01 điểm phần trăm. Do từ đầu tháng 7 năm trước có tăng lương tối thiểu cho công chức, kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân tăng lên; các hoạt động lễ hội của tỉnh đã thu hút đông đảo khách du lịch, các dịch vụ vui chơi giải trí cũng phát triển khá mạnh. Khu vực dịch vụ có sự đóng góp lớn của hoạt động vận tải với mức tăng doanh thu trong 6 tháng ước tăng 16,5%; ngành bán buôn bán lẻ doanh thu ước tăng 14,4%.
Tiêu thụ vải thiều thuận lợi, tính đến 14/6/2024, toàn tỉnh đã tiêu thụ được khoảng trên 67.000 tấn vải, ước đạt 67% tổng sản lượng dự kiến, trong đó xuất khẩu ước đạt 24.000 tấn, giá bán cao.
Tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư
Do có sự phát triển mạnh về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nên Bắc Giang tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo cáo PCI 2023, đây là lần thứ 2 liên tiếp Bắc Giang đứng trong top 5 các tỉnh, thành phố (xếp thứ 4/63) có chất lượng điều hành tốt nhất. Tuy nhiên thu hút đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chậm lại, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế; hạ tầng về cung cấp điện còn thiếu sự đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Ước tính 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã thu hút được 1.300,8 triệu USD tổng vốn đầu tư quy đổi, bằng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 9.506,22 tỷ đồng, gấp gần 5,3 lần cùng kỳ và 34 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 238,8 triệu USD, tương đương 20,5% cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án đầu tư trong nước, vốn bổ sung đạt 2.169,91 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần và 35 dự án FDI, vốn đăng ký bổ sung đạt 584,69 triệu USD, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến nay, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thu hút nguồn vốn FDI.
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ, trong khi số giải thể, tạm ngừng hoạt động lại tăng so cùng kỳ.
Tính đến ngày 15/06/2024, toàn tỉnh có 851 doanh nghiệp và 79 chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới, giảm 5,4% so cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 7.615 tỷ đồng giảm 44,3%. Có 144 doanh nghiệp-chi nhánh, văn phòng đại diện giải thể tăng 10,6% so với cùng kỳ; 586 đơn vị tạm ngừng hoạt động, tăng 13,1%. Ngoài ra có 686 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh