Tỉnh Bắc Ninh khẳng định vị thế dẫn đầu về thu hút FDI
17/08/2024 10:20
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã thu hút thêm 279 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 97 dự án, tức tăng 53,3% so với cùng kỳ.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bắc Ninh từ đầu năm đến nay luôn duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy Bắc Ninh luôn ở vị thế dẫn đầu về thu hút FDI. Điều này là minh chứng cho những nỗ lực thu hút FDI của tỉnh.
Điểm đến hấp dẫn
Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Ông Hồ Văn Đạc, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Zhong’an Jichuang Thâm Quyến, Trung Quốc, khẳng định: Bắc Ninh tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhưng lại là nơi thu hút đầu tư rất lớn, đặc biệt là có ngành sản xuất chất bán dẫn, chip công nghệ cao. Đây là một trong những ngành hiện nay đang rất "hot" trên thế giới.
Các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp tại Thâm Quyến đều rất quan tâm đến lĩnh vực này ở tỉnh Bắc Ninh. Với mong muốn đầu tư vào Bắc Ninh, doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp Trung Quốc cùng tìm hiểu và đến với Bắc Ninh - địa điểm lý tưởng, hội tụ đầy đủ các yếu tố giúp cho các nhà đầu tư tại Bắc Ninh một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Talway Việt Nam được thành lập tại Bắc Ninh đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, quá trình sản xuất gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành tích cực từ chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh trong suốt thời gian qua.
Không chỉ từng bước đưa hoạt động sản xuất đi vào ổn định, đầu năm 2024, công ty này tiếp tục mua đất tại Khu công nghiệp Nam Sơn-Hạp Lĩnh để mở rộng đầu tư, góp phần vào mục tiêu trở thành nhà sản xuất và thương hiệu thông minh cao cấp trong lĩnh vực thiết bị năng lượng ôtô và giải pháp năng lượng công nghiệp của Tập đoàn Shanghai Guangwei Electric.
Ông Yang Yong - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Talway Việt Nam, cho hay công ty đã tiến hành mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh. Điều này không chỉ phản ánh niềm tin vào môi trường kinh doanh và sự phát triển lâu dài của Bắc Ninh, mà còn thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền Bắc Ninh đối với sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Với nỗ lực và quyết tâm cao của hệ thống chính quyền tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư của Bắc Ninh từ đầu năm đến nay tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã thu hút thêm 279 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 97 dự án, tức tăng 53,3% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Bắc Ninh đã điều chỉnh vốn cho 109 dự án (tăng 21 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 1tỷ 584 triệu USD (tăng hơn 1,2 tỷ USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 28 lượt với giá trị là 40,9 triệu USD (tăng 24,4 triệu USD).
Riêng tháng 7, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 356 triệu USD, điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 58,4 triệu USD.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030 gồm 167 dự án, với diện tích khoảng 11.638 ha. Theo đó, có 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 36 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ; 83 dự án thuộc lĩnh vực nhà ở, khu đô thị; 27 dự án lĩnh vực nhà ở xã hội; 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp; 4 dự án thuộc lĩnh vực thể thao, văn hoá, nước sạch, môi trường.
Bên cạnh các đối tác truyền thống, Bắc Ninh cũng mở rộng hợp tác, xúc tiến đầu tư với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia. Một số tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh như Goertek, Amkor, Foxconn, Suntory Pepsico; Victory Giant Technology (Singapore). Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Ninh hoàn thành kế hoạch cả năm 2024; đồng thời củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của địa phương.
Không ngừng cải thiện "sức hấp dẫn"
Ông Đinh Nam Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhận định một trong những tiêu chí để doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư ở Bắc Ninh là thể chế ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng thuận lợi. Vì vậy, để đạt và vượt những chỉ tiêu về thu hút FDI trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiệu quả thực chất đồng bộ và bền vững.
Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang nỗ lực, quyết tâm cao triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Bắc Ninh cũng đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu công nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã khẳng định: Bắc Ninh hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư cùng chung tay với tỉnh để mang lại lợi ích tốt đẹp cho các bên. Tỉnh cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn với phương châm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn, thất bại của doanh nghiệp cũng là khó khăn, thất bại của tỉnh."
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, cho biết Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tham mưu cho ủy ban dân tỉnh xây dựng đồng bộ hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp; chỉ đạo các công ty xây dựng hạ tầng sẵn sàng xây dựng hạ tầng để đón các nhà đầu tư vào đầu tư ở các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành giải quyết nhanh các thủ tục hành chính đặc biệt là những thủ tục quan trọng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án; thực hiện sàng lọc để thu hút được những cái dự án theo đúng định hướng của tỉnh.
Ngoài các giải pháp thiết thực, cụ thể để cải thiện môi trường, nâng cao sức hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh cũng tập trung làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ chuyên gia gỡ khó, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo đà để bứt phá, phấn đấu trở thành cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra