Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần thận trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực
26/02/2025 11:46
Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong việc kiểm soát và ngăn chặn hoạt động buôn lậu mặt hàng này.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) thu hút được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia và người dân trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng thu ngân sách và đặc biệt là giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy việc tăng thuế thuốc lá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong việc kiểm soát và ngăn chặn hoạt động buôn lậu mặt hàng này.
Cần thận trọng khi tăng thuế
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), thuế suất hiện hành 75% được giữ nguyên và cộng thêm thuế tuyệt đối. Phương án 1 đề xuất mức thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao và phương án 2 là tăng 5.000 đồng/bao (ngay trong năm 2026), sau đó tiếp tục tăng hàng năm hướng tới mục tiêu tăng tăng thuế tuyệt đối lên 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Trong đó, nhiều chuyên gia quan ngại đối với phương án 2 với mức tăng 5.000 đồng/bao ngay trong năm đầu tiên sẽ tạo ra một "cú sốc" lớn cho ngành thuốc lá Việt Nam, thậm chí có thể thúc đẩy thị trường thuốc lá lậu gia tăng.
Theo Bộ Tài chính, quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ lãi tiền gửi nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng.
Cụ thể, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam dẫn chứng nhiều quốc gia đã chứng minh rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dẫn đến gia tăng hàng nhập lậu. Điển hình như Australia, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước châu Âu đã phải đối mặt với khối lượng thuốc lá nhập lậu tăng cao gấp đôi sau khi tăng thuế "sốc."
Bên cạnh đó, Australia là một ví dụ về tác động tiêu cực của việc tăng thuế thuốc lá quá nhanh. Theo báo cáo của BIS Oxford Economics, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đã khiến giá thuốc lá hợp pháp tăng cao, tạo cơ hội cho thị trường “chợ đen” và các tổ chức tội phạm cung cấp thuốc lá bất hợp pháp với lợi nhuận lớn từ việc trốn thuế. Do đó, mặc dù việc tăng thuế này đã góp phần giảm lượng giảm tiêu thụ thuốc lá hợp pháp, nhưng mặt khác thuốc lá bất hợp pháp lại tăng lên.
Cùng với đó, tạp chí The Parliament của châu Âu cũng nhận định chính sách thuế quá cao đã thúc đẩy buôn bán thuốc lá lậu, thu hút tội phạm có tổ chức đến gần các thị trường lớn như Pháp. Thị trường “chợ đen” châu Âu đã tăng trưởng liên tiếp trong 5 năm với các nhóm tội phạm mở rộng hoạt động ở các quốc gia có mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao.
Tại châu Á, Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của thuốc lá lậu do thuế cao và các quy định khắt khe. Thuốc lá nhập lậu có giá rẻ, không bị ảnh hưởng bởi thuế, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà bán lẻ và thường không có cảnh báo sức khỏe.
Ông P C Jha, cố vấn của Tổ chức FICCI CASCADE (Ấn Độ) nhấn mạnh tình trạng cung cấp hàng hóa bất hợp pháp trên quy mô lớn do thiếu sự quan tâm đúng mức từ các bên liên quan, thiếu nhận thức của người tiêu dùng về tác hại và nguồn cung hàng hóa hợp pháp giá cả phải chăng không đủ đáp ứng nhu cầu.
Phải có lộ trình hợp lý và giải pháp đồng bộ
Báo cáo từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) đưa ra mô hình phân tích cho thấy việc tăng thuế theo 2 phương án đề xuất có thể làm giảm sản lượng thuốc lá hợp pháp và tăng mạnh thuốc lá lậu vào năm 2030. Mặc dù thu ngân sách có thể tăng nhưng tỷ lệ trốn thuế cũng tăng cao do người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu. Hơn nữa, các nhà sản xuất thuốc lá có thể phá sản do doanh thu sụt giảm.
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chia sẻ rằng cần xem xét phương pháp tính thuế hiệu quả hơn, tránh tăng "sốc." Theo ông, Thuế Tiêu thụ đặc biệt không nên là công cụ quan trọng nhất và duy nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay môi trường, bởi còn nhiều công cụ khác để giải quyết hiệu quả các vấn đề trên.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nhấn mạnh việc phối hợp nhiều công cụ chính sách và không nên chỉ dựa vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Bà Hằng cũng chỉ ra những hiệu suất trong sử dụng quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá còn rất thấp.
“Theo Báo cáo số 1081 của Kiểm toán Nhà nước, nguồn thu của quỹ tăng đều qua các năm nhưng từ năm 2019, quyết toán cho việc sử dụng quỹ đạt kết quả thấp, chỉ đạt 30% so với tổng số thu bình quân và đang giảm dần. Năm 2023 chỉ quyết toán được 17% so với số thu, tồn quỹ giai đoạn từ 2021 đến 2023 là hơn 2.000 tỷ đồng,” đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng thông tin.
Các ý kiến đóng góp nhìn chung cho rằng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần có sự cân bằng giữa mục tiêu và thực tế. Cụ thể, việc tăng thuế thuốc lá là cần thiết để tăng thu ngân sách và giảm tỷ lệ hút thuốc. Tuy nhiên, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình tăng thuế, kết hợp với kiểm soát buôn lậu chặt chẽ và hỗ trợ ngành sản xuất trong nước. Một chính sách thuế hợp lý sẽ giúp đạt hiệu quả tối ưu về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng song cũng cần tránh thúc đẩy hoạt động thị trường “chợ đen” gia tăng./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cần Thơ phát hiện 3 mẫu sữa không đạt chất lượng
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể thiệt hại 330 tỷ USD do thuế quan
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng
Giá vàng cuối tuần giảm mạnh, thương hiệu SJC ”bốc hơi” 6 triệu đồng mỗi lượng
Tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương và doanh nghiệp tại Séc
Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị áp thuế đối ứng
Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa và thuốc giả
Triển vọng lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu
Tỷ giá ngày 18/4: Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá đồng USD
Mỹ đề xuất áp thuế mới với thiết bị hàng hải Trung Quốc