Thuế nhập khẩu giảm không ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu

14/12/2019 16:08

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: Nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu chỉ chiếm một phần trong tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Vì vậy dù thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng về 0% theo các cam kết của Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu.

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: Nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu chỉ chiếm một phần trong tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Vì vậy dù thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng về 0% theo các cam kết của Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu. 

Chú thích ảnh

Cấp đông sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

“Mặc dù tỷ trọng thuế nhập khẩu giảm trong tổng số thu của ngành hải quan nhưng về tổng thể, số thu của ngành hải quan lại tăng. Theo đó, năm 2018 thu đạt 314.000 tỷ đồng; năm 2019 ước đạt 340.000 tỷ đồng", ông Hà Duy Tùng nói.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, số liệu năm 2018 khi thực hiện các FTA, thuế nhập khẩu giảm 29.000 tỷ đồng; 11 tháng năm 2019 giảm 13.000 tỷ đồng. Tỷ trọng thuế nhập khẩu cũng giảm dần, năm 2017 giảm 21,85%; năm 2018 tỷ trọng thuế nhập khẩu giảm 17,4% và đến năm 2019 giảm 16,7% trong tổng số thu của toàn ngành hải quan. Tuy nhiên, số tuyệt đối trong tổng thu của ngành hải quan lại tăng. 

Hiện nay ngoài thuế xuất nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế chống bán phá giá…

“Khi cắt giảm thuế theo cam kết của các hiệp định này chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu, còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Ví dụ như mặt hàng máy lạnh, khi thuế nhập khẩu bằng 0% thì còn thuế TTĐB, thuế GTGT. Nhưng với mặt hàng xăng dầu, ngoài thuế TTĐB, GTGT, còn thêm thuế BVMT”, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) nói.

Thời gian qua, để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện tái cơ cấu NSNN, tăng thu nội địa trong tổng thu ngân sách. Ngoài phạm vi về thuế còn có các cam kết khác (môi trường, lao động…) nên các doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa của các nước.

Liên quan tới câu hỏi liệu giá cả của các mặt hàng có giảm và người tiêu dùng có được hưởng lợi từ việc giảm thuế hay không? đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết: Về tổng thể, giá cả các mặt hàng sẽ giảm, vì trong giá tính thuế có thuế nhập khẩu, khi thuế nhập khẩu giảm bằng 0% thì đương nhiên giá sẽ giảm.

Đối với thuế nhập khẩu ô tô, theo ông Lê Mạnh Hùng, thuế nhập khẩu ô tô năm 2017 có C/O mẫu D ASEAN là 30%, năm 2018 giảm còn 0%, việc giá giảm bao nhiêu còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như thị hiếu tiêu dùng, thị trường khan hiếm… Khi một mặt hàng giảm thuế có kéo theo giảm giá bán trong nước, nhưng tại một số thời điểm chưa chắc giảm ngay. Số thu của ngành Hải quan vẫn tăng do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, đặc biệt ô tô dưới 9 chỗ tăng lên nhiều do lượng xe nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao từ một số nước trước thời điểm giảm thuế.

Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất trung bình của các dòng thuế cam kết cắt giảm trong 11 FTA trong năm 2019 là từ 0,07% - 9,1%, trong đó thấp nhất là mức thuế trong ASEAN là 0,07% và cao nhất là cam kết trong CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) với mức 9,1%. Đến năm 2022, mức thuế suất trung bình của các dòng thuế cam kết cắt giảm là từ 0,04% - 4,8%, trong đó thấp nhất vẫn là mức thuế trong ASEAN và cao nhất là thuế cam kết trong CPTPP.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới