Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Ai Cập, đưa kim ngạch song phương sớm đạt 1 tỷ USD

14/12/2023 12:28

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng tin tưởng hai nước có thể hợp tác đưa kim ngạch thương mại song phương từ 595 triệu USD năm 2022 lên cao hơn và sớm đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Dệt may là một trong các lĩnh vực Việt Nam-Ai Cập sẽ đẩy mạnh hợp tác. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dệt may là một trong các lĩnh vực Việt Nam-Ai Cập sẽ đẩy mạnh hợp tác. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

 

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập (1963-2023), ngày 13/12 tại thành phố Giza, tỉnh Giza, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã phối hợp với Phòng Thương mại Giza của Ai Cập tổ chức Diễn đàn "Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập" nhằm giúp các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin về thị trường cũng như tìm kiếm đối tác.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện hơn 40 doanh nghiệp Ai Cập và một số doanh nghiệp của Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Ai Cập khi hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Ai Cập là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông-Bắc Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Quan hệ thương mại giữa hai nước thậm chí còn được thiết lập sớm hơn quan hệ ngoại giao khi Văn phòng Thương mại của Việt Nam tại Ai Cập được thành lập vào năm 1958.

Đại sứ khẳng định quan hệ Việt Nam-Ai Cập đã đạt đến tầm cao mới với hai chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo hai nước vào các năm 2017 và 2018.

Hai chuyến thăm này đã tạo động lực cho quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều thỏa thuận, văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai bên.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng nói thêm trong chuyến thăm cấp cao tới Ai Cập vào tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã hội đàm với Thủ tướng Mostafa Madbouly và gặp gỡ Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập.

Hai bên nhất trí sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa, đặc biệt là nông sản, may mặc, dệt may và phân bón.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị hai nước sớm đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Ai Cập.

Nhân chuyến thăm Ai Cập của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác song phương.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu khái quát về bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nêu bật những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn suy giảm tăng trưởng do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Đại sứ cho biết Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, với một trong số đó là mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, cũng như tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống.

Ai Cập là một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam trong khu vực với những lợi thế về địa chính trị.

Ai Cập nằm ở điểm giao nhau của ba lục địa châu Âu, châu Phi và châu Á. Quốc gia Bắc Phi là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) và sẽ sớm trở thành thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Trong khi đó, Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường ASEAN với hơn 650 triệu dân. Do đó, Việt Nam và Ai Cập có nhiều dư địa để hợp tác và cơ hội để mở rộng thị trường cho cả hai bên.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng hai nước có thể hợp tác cùng nhau để đưa kim ngạch thương mại song phương từ 595 triệu USD năm 2022 lên cao hơn và sớm đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Về phần mình, Chủ tịch Phòng Thương mại Giza, ông Osama Al-Shahed, khẳng định Việt Nam và Ai Cập có rất nhiềm tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực, đồng thời đề nghị hai nước hợp tác triển khai các dự án sản xuất chung tại bất kỳ khu công nghiệp nào của tỉnh Giza.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng và ông Al-Shahed nhất trí cho rằng hai bên cần tăng cường kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo xúc tiến thương mại-đầu tư và hội chợ thương mại.

Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ và trao đổi thông tin về nhu cầu thị trường của nhau cũng như các cơ hội hợp tác. Nhiều doanh nghiệp của Ai Cập bày tỏ quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản và thủy sản./.
 
Nguồn: vietnamplus.vn
Viết bình luận mới