'Thủ phủ' hoa, kiểng miền Tây sẵn sàng cho thị trường Tết và lễ hội hoa
20/12/2023 07:20
Còn chưa đầy 2 tháng nữa là bước vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Những ngày này, nông dân tại Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) - “thủ phủ” hoa, kiểng miền Tây đang tất bật với việc chăm sóc để chuẩn bị sẵn sàng cung ứng nhiều hoại hoa cho thị trường Tết và Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh Đồng Tháp là vùng đất nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo… và đặc biệt là Làng hoa Sa Đéc - “thủ phủ” hoa, kiểng của miền Tây Nam Bộ, được khởi nguyên từ Làng hoa Tân Quy Đông với những nét đặc trưng riêng. Nơi đây có nhiều loài hoa khoe sắc quanh năm, người nông dân cần mẫn, chuyên nghiệp, tài hoa. Họ là những nghệ nhân góp phần tạo nên giá trị cho Làng hoa Sa Đéc.
Tính đến nay, ông Trần Văn Bình (73 tuổi) ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc đã có thâm niên hơn 40 năm làm nghề trồng và kinh doanh hoa, kiểng. Ông Bình cho hay, trước khi Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (năm 1975), Sa Đéc có một số hộ trồng hoa, kiểng chủ yếu bán để trưng trong dịp Tết Nguyên đán. Sau đó, nghề trồng hoa, kiểng dần dần phát triển mạnh, lúc ban đầu, tập trung chủ yếu ở khu vực mà ngày nay là khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông. Nghề trồng hoa, kiểng đã giúp gia đình ông phát triển kinh tế, cuộc sống sung túc suốt mấy chục năm qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết, hiện nay, tổng diện tích trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc gần 950 ha, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông (324 ha) và phường Tân Quy Đông (320 ha). Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 4.000 hộ sản xuất hoa, kiểng, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; hơn 200 cơ sở kinh doanh hoa, kiểng. Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng, 10 tổ hợp tác và 3 hội quán hoạt động có liên quan đến ngành hàng hoa, kiểng.
Sa Đéc có khoảng 2.000 chủng loại hoa, kiểng; trong đó, kiểng công trình, trang trí nội thất chiếm 65%, hoa các loại là 20%, kiểng cổ bonsai 15%. Các loại hoa phổ biến là cúc mâm xôi, hoa lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn, lan các loại… Cùng với các loại hoa, nhiều nhà vườn ở Sa Đéc có thu nhập cao từ nghề trồng kiểng như mai vàng, các loại kiểng lá, các loại kiểng cổ bonsai…
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Sa Đéc Nguyễn Phước Lộc cho hay, thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nhiều đến việc trồng, kinh doanh hoa vì khó bảo quản trong thời gian dài. Tuy nhiên, kiểng là “hàng nằm”, không tiêu thụ được thì tiếp tục trồng, chăm sóc cho cây càng to, đẹp sẽ bán giá càng cao nên nghề trồng kiểng ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nói về hiệu quả kinh tế mang lại, ông Lộc cho rằng, 1 công (1.000 m2) hoa tương đương 10 công (1 ha) lúa và 1 công kiểng thì tương đương 10 công hoa.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Sa Đéc, Trung tâm thương mại hoa kiểng Đồng Tháp (tọa lạc tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc) đã thành lập vào đầu năm 2021 để làm đầu mối trung chuyển, mua bán trong nước và xuất khẩu sang thị trường ngoài nước. Sản phẩm hoa, kiểng Sa Đéc được đưa đi tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, hoa, kiểng đã được người dân xuất bán sang Lào, Campuchia. Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp hoa, kiểng tại Làng hoa Sa Đéc đã mang về cho địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung hơn 3.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Vụ hoa Tết là vụ mùa lớn nhất trong năm của người trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc. Khác với những năm trước, chỉ trồng hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết, năm nay, bà con nông dân ở làng hoa có thêm kênh tiêu thụ mới là cung cấp cho Festival hoa, kiểng Sa Đéc. Đến nay, nông dân làng hoa đã xuống giống khoảng 100 ha hoa, kiểng phục vụ Tết và lễ hội hoa, kiểng sắp tới, tập trung nhiều ở xã Tân Khánh Đông, Tân Qui Tây, phường An Hòa và Tân Quy Đông.
Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Nguyễn Văn Hon cho biết, ngay từ đầu năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương về sản xuất hoa, kiểng để chuẩn bị cho lễ hội và dịp Tết, trên cơ sở đó, thành phố đã chủ động triển khai đến người trồng hoa. Năm 2023, Sa Đéc tăng quy mô, diện tích sản xuất hoa, kiểng. Nhiều hộ điều chỉnh lịch xuống giống các loại hoa sớm hơn những năm trước khoảng 1 tháng để thu hoạch đúng thời điểm, phục vụ cho Festival hoa, kiểng.
Để kịp phục vụ cho thị trường Tết và lễ hội sắp tới, nông dân Làng hoa Sa Đéc đang tập trung thay đất, đổi chậu và chăm sóc để hoa đạt chất lượng tốt nhất. Những loại hoa chủ yếu được bà con trồng năm nay bao gồm các loại cúc, hồng, cát tường, vạn thọ, hạnh, lan, mai... Ngoài cúc mâm xôi với màu vàng truyền thống, năm nay, lần đầu tiên, một số nông dân ở Làng hoa Sa Đéc sản xuất giống cúc mâm xôi Hà Lan và Hàn Quốc với nhiều màu sắc (đỏ, hồng, tím, cam,…) đang được thị trường ưa chuộng.
Tổ hợp tác hoa, kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc đang trồng hơn 10 loại hoa trên diện tích 25.000 m2 nhằm cung ứng cho thị trường Tết dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2024 và lễ hội hoa, kiểng Sa Đéc. Đặc biệt, lần đầu tiên tổ trồng giống cúc mâm xôi mới có nhiều ưu điểm so với giống truyền thống là nhiều màu sắc sặc sỡ, hoa tươi lâu, thời gian trưng kéo dài hơn… Giống cúc mâm xôi nhiều màu đã được khách hàng đặt mua với giá cao.
Ông Đặng Quang Giàu, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa, kiểng khóm Tân An, phường An Hòa thông tin, hiện nay, tổ trồng trên 230.000 giỏ hoa các loại (tăng 3 đến 4 lần so với năm trước). Tổ đã ký hợp đồng bao tiêu, cung cấp cho Festival hoa, kiểng Sa Đéc hơn 130.000 chậu hoa, trên 100.000 chậu hoa còn lại sẽ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Theo nhiều nông dân ở Sa Đéc, năm nay, giá thể (phân rơm) để trồng hoa bình ổn nhưng giá vật tư nông nghiệp tăng, kéo theo chi phí sản xuất hoa, kiểng cao hơn những năm trước. Thời tiết cũng có sự bất lợi vì giai đoạn cây còn nhỏ, mưa nhiều nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của một số loại hoa “nhạy cảm” với nước. Tuy nhiên, nông dân phấn khởi vì bước đầu tình hình tiêu thụ hoa thuận lợi, giá cả khả quan. Đến nay, nhiều diện tích hoa đã được bao tiêu để trưng bày, trang trí tại khu vực tổ chức Festival hoa, kiểng Sa Đéc và các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Năm nay, ông Phạm Văn Bảnh ở phường An Hòa, thành phố Sa Đéc trồng 3.000 m2 với các loại hoa như sao nhái, rau dừa cạn, cúc tiger, cúc Đài Loan, cúc mâm xôi nhiều màu… So với những vụ hoa trước, vụ này, ông xuống giống sớm hơn khoảng 1 tháng để tranh thủ kịp thời giao hàng cho lễ hội hoa, kiểng Sa Đéc. Ông Bảnh cho hay, giá bán hoa cho thương lái được giá cao. Chẳng hạn, so với năm trước, mỗi chậu hoa dừa cạn có giá bán tăng khoảng 1,5 lần, còn cúc mâm xôi tăng gấp đôi nhưng cũng không đủ hàng để bán.
Làng hoa, kiểng Sa Đéc nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “thủ phủ” hoa, kiểng của miền Tây Nam bộ. Nông dân Làng hoa Sa Đéc đang cần mẫn, chăm chút cho những chậu hoa để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần mang sắc Xuân đến với mọi nhà trong những ngày đầu năm mới.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan