Thu nhập cao từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

28/05/2020 15:13

Để đảm bảo cung ứng đủ nguồn thực phẩm an toàn và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình, chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, điển hình như mô hình trồng rau an toàn, mô hình giết mổ và mô hình bếp ăn an toàn thực phẩm.

 

Chú thích ảnh

Rau an toàn trồng tại thôn Xuân Thọ, xã Yên Thọ, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Giai đoạn 2016-2020, huyện Như Thanh đã chỉ đạo UBND 17 xã, thị trấn tổ chức ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện quản lý. Đồng thời, huyện lập danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, yêu cầu các cơ sở tuân thủ chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.  

Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Như Thanh cũng tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao kiến thức trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tại huyện và các xã, tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm với 630 người tham dự, huyện đã cấp 545 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người dân.

Để nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu dân cư, UBND các xã, thị trấn đã thành lập 165 Tổ giám sát cộng đồng thôn, 11 tổ giám sát an toàn thực phẩm tại chợ. Toàn huyện cũng đã có 167 cơ sở được đã giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có 1.573 người dân được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.

Hiện thu nhập của người dân được cải thiện nên nhu cầu về các sản phẩm an toàn tăng lên. Chính vì vậy, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, diện tích sản xuất rau an toàn ngày càng phát triển. Điển hình như mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn tại xã Yên Thọ và chuỗi rau an toàn xã Mậu lâm, sản lượng thu hoạch 5 tấn/năm

Tại xã Yên Thọ, giai đoạn 2016-2019, xã đã hướng dẫn người dân sản xuất thực phẩm an toàn để cung ứng cho các tiểu thương, nhà hàng quanh vùng. Đồng thời, thưc hiện mô hình trồng rau an toàn với 35 hộ dân tham gia trồng các loại rau gồm bầu, bí, bắp cải, cà… trên diện tích hơn 3 ha. Các hộ trồng rau an toàn cho thu nhập bình quân 25 triệu đồng/sào/năm, trung bình mỗi hộ trồng 3 - 4 sào rau, thu nhập 1 hộ đạt khoảng 80 triệu đồng/năm, ngoài ra xã cũng hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân, hỗ trợ khoan giếng, làm kênh mương.

Chị Hoàng Thị Thúy, thôn Xuân Thọ, xã Yên Thọ cho biết, vào năm 2018 sau khi được cán bộ nông nghiệp xã chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất thực phẩm an toàn, chị đã thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Chỉ nhờ trồng rau thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Chú thích ảnh

Chị Hoàng Thị Thúy, thôn Xuân Thọ, xã Yên Thọ, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đang kiểm tra tốc độ sinh trưởng rau an toàn trồng theo tiêu chuẩn VietGap. 

Anh Lê Đình Trúc (sinh năm 1983) trú tại thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ đã xây dựng mô hình trồng nấm công nghệ cao theo tiêu chuẩn GMP từ năm 2013. Để thực hiện tốt mô hình, anh nhập các nguyên liệu về khối trộn với mùn, ủ đống trong 1 tháng sau đó đóng bịch theo dây chuyển 1.500 bịch/giờ.

Hiện anh Trúc đã thành lập Hợp tác xã nông sản hữu cơ Trúc Phương chuyên sản xuất nấm Bào ngư xám, nấm Linh chi, nấm Rơm, nấm Mỡ với diện tích hơn 1 ha. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nấm của hợp tác xã tại Hà Nội, Thanh Hóa và các siêu thị. Mỗi năm anh Trúc thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ tiền bán nấm. Cơ sở sản xuất nấm của anh Trúc cũng tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, anh Trúc sẽ trú trọng 3 sản phẩm đã làm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là nấm Linh chi, Bào ngư xám, Mộc nhỉ khô. Đồng thời, anh Trúc có kế hoạch sản xuất thêm 2 loại nấm mới trong năm 2020, qua đó tạo công việc làm cho 30 lao động.

Chú thích ảnh

 Rau an toàn trồng theo tiêu chuẩn VietGap tại thôn Xuân Thọ, xã Yên Thọ, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Theo ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, xã đang thực hiện mô hình trồng rau an toàn, mô hình giết mổ tập trung an toàn quy mô 15 con/ngày, mô hình trồng nấm an toàn, làm giống, được liên kết bao tiêu sản phẩm, các sản phẩm nấm được bán cho các siệu thị, nhà hàng. Nhờ đó, nhiều người dân đã nâng cao thu nhập, số hộ nghèo tính đến nay còn 53 hộ, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 37 triệu, tới nay tăng lên 41 triệu đồng/người/năm, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Mặc dù vậy, huyện còn một số hạn chế do sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn nên ảnh hưởng đến sản xuât, kinh doanh thực phẩm, tập quán ăn uống, nhận thức của một số người dân còn thấp, vẫn còn tình trạng sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Trong khi việc quản lý nhà nước về vệ sinh an toan thực phẩm của một số cán bộ, UBND cấp xã còn hạn chế, người sản xuất, kinh doanh còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh cho biết, thời gian tới huyện sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó sẽ có 50% thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn và có xác nhận, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm.

Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, tất cả các bếp ăn tập thể, cửa hành kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, 90% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được công nhận hoàn thành bộ tiêu chí xã an toàn thực phẩm.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới