Thu ngân sách Nhà nước gần 1,7 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 4,5%
28/12/2023 10:00
Bộ Tài chính cho biết đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp trong và ngoài nước, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Năm 2023, kết quả thu ngân sách Nhà nước đạt 1,69 triệu tỷ đồng và tăng 4,5% so với dự toán. Trong đó, ngân sách Trung ương tăng 4,6%, ngân sách địa phương tăng 4,4%. Về cơ cấu, thu nội địa tăng 5,7%, thu dầu thô đạt tăng 44,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị Tổng kết Công tác tài chính-Ngân sách Nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, ngày 27/12.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay mặc dù nguồn thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng lớn song công tác tài chính vẫn đảm bảo nhu cầu về chi thường xuyên, nguồn vốn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
Xác định 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp trong nước và ngoài nước đồng thời đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, các cân đối lớn, an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội.
Từ đầu năm, Bộ Tài chính tích cực rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường...
Đặc biệt, ngành quán triệt phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Ước tính năm 2023, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).
Đại diện Bộ Tài chính chia sẻ đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu trong những ngày còn lại của năm, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022. Chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán và đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Trên cơ sở đó, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương các cấp đã được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 25/12, ngành đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc ngân sách Trung ương đến hạn./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan