Thị trường nhìn chung ổn định, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08%

01/07/2024 07:23

Lạm phát trong tầm kiểm soát, CPI tháng Sáu tăng 0,17% so với tháng Năm. Theo đó, CPI bình quân quý 2 tăng 4,39% so với quý 2/2023 và CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng/giảm đan xen, tương đồng với quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: Vietnam+)

Chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng/giảm đan xen, tương đồng với quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: Vietnam+)

 

Trong tháng Sáu, giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố đã được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023-BYT của Bộ Y tế.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,17% so với tháng Năm. Theo đó, CPI tháng Sáu tăng 1,4% so với tháng 12/2023 và tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, CPI bình quân quý 2 đã tăng 4,39% so với quý 2/2023 đồng thời CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm và mức lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Bà Oanh chỉ ra trong 6 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga-Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ.

Vì vậy, kinh tế thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, triển vọng phát triển trong ngắn hạn và trung hạn còn nhiều thách thức, lãi suất ngân hàng của các nước vẫn ở mức khá cao. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số quốc gia và khu vực.

Bà Oanh cho hay lạm phát toàn cầu đang có biểu hiện đi ngang sau một thời gian giảm nhanh, nhưng bức tranh kinh tế rất khó đoán định và khiến xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ rệt.

Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng Năm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tại cuộc họp tháng Sáu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Trong tháng Năm, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 2,3%; Đức tăng 2,4%; Tây Ban Nha tăng 3,6%. Tại châu Á, lạm phát của Lào tăng 25,8%; Ấn Độ tăng 4,75%; Philipine tăng 3,9%, Singapore tăng 3,1%, Indonesia tăng 2,84% và Hàn Quốc tăng 2,7%.

Trong nước, bà Oanh cho biết lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trên thị trường, chính sách điều hành của Chính phủ luôn đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa-dịch vụ, mặt bằng lãi suất cho vay giảm và thị trường ngoại hối ổn định. Các cấp vào cuộc quyết liệt đầu tư công, các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực được triển khai. Bên cạnh đó, các nhiều sắc thuế và phí được miễn, giảm, gia hạn.

“Từ đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát,” bà Oanh nói.

CPI dao động phù hợp với quy luật

Cụ thể hơn, bà Oanh chia sẻ chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng/giảm đan xen, tương đồng với quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Như, CPI tháng Một tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.

Sang tháng Hai, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới. Song, CPI tháng Ba lại giảm 0,23% do nhu cầu của người dân đi xuống sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, từ tháng 4-6, CPI liên tục tăng lần lượt là 0,07%, 0,05% và 0,17% chủ yếu do giá xăng dầu, thịt lợn và điện sinh hoạt tăng. Theo đó, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng liền trước.

Ngoài ra, bà Oanh chia sẻ một số nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng, do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí cộng thêm giá dịch vụ y tế được điều chỉnh. Mặt khác, nhóm nhà ở-điện nước-chất đốt và vật liệu xây dựng, nhóm hàng ăn-dịch vụ ăn uống cũng tăng giá khi nhu cầu tiêu dùng của người dân lên cao.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 đồng thời tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm. Đồng thời, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,6% và làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7%, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế.

Theo bà Oanh, lạm phát cơ bản tháng Sáu tăng 0,18% so với tháng Năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế. Đây là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới