Thị trường hồi phục chậm, kim ngạch xuất khẩu cả nước tiếp tục giảm 5,9%

06/12/2023 16:29

Cục Xúc tiến Thương mại triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và đánh giá đối tác để thúc đẩy xuất khẩu.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

 

Những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt đơn hàng giảm từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước trong 11 tháng vừa qua.

Đây là đánh giá của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2023, vừa được đưa ra ngày hôm nay, 5/12.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chững lại

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau khi đạt mức tăng 5,1% trong tháng 10/2023, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ còn khó khăn, do đó thời gian tới cần tăng cường xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và các nước khác.

Việc xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 11/2023 có phần chững lại so với tháng trước (giảm 4%) đã tác động tới kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. Mặc dù một số mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 20,2%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,9%, dây điện và cáp điện tăng 10,2%; sắt thép các loại tăng 25,4%... song xuất khẩu hàng dệt và may mặc tiếp tục giảm 11,1%, giày dép giảm 6,4%... Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 274 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 48,83 tỷ USD, giảm 11%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 39,4 tỷ USD, giảm 6,2%; hàng dệt may đạt 30,27 tỷ USD, giảm 12,7%; giày dép các loại đạt 18,2 tỷ USD, giảm 17,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,6%.

167A7464.JPG

Sản xuất Xanh là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

 

Chỉ có 2 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD tăng, là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 51,42 tỷ USD, tăng 1,3%) và phương tiện vận tải và phụ tùng (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,56 tỷ USD tăng 15,6%).

Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện, trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 11 tháng, vừa qua giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 3,77 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm mạnh trong 11 tháng qua, gồm: dầu thô giảm 15,4%, than đá giảm 50,7%, xăng dầu giảm 7,4%, quặng và khoáng sản khác giảm 12,2%.

Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, càphê, hạt điều.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 11 tháng, cả nước xuất khẩu đạt 7,75 triệu tấn, thu về khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Tuy nhiên, mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau, trong đó, xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 1,4%; châu Âu giảm 6,6%; châu Mỹ giảm 12,4%; châu Phi tăng 3,7%; châu Đại dương giảm 2,7%.

Tập trung các giải pháp thị trường

Ở chiều ngược lại, trong tháng 11/2023, cả nước chi khoảng 29,8 tỷ USD, để nhập khẩu hàng hóa các loại. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Bộ Công Thương, ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,1% (ước đạt 79,2 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 58,9%; thép các loại giảm 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 9,8%; vải các loại giảm 14%...

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại trong tháng 11 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,28 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 11 tháng năm 2023 là 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).

Dự báo tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi; tăng trưởng thương mại, đầu tư toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Mặt khác, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

Vì vậy, để xuất khẩu trong tháng còn lại của năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

IMG_0043.jpeg

Lãnh đạo Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

 

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết để hỗ trợ doạnh nghiệp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại cũng như nhu cầu, thị hiếu để kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã giao các Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với hệ thống thương vụ theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, chính sách thương mại; hướng dẫn và hỗ trợ tối đa các hiệp hội, doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề tranh chấp thương mại, lừa đảo thương mại.

Về phía Cục Xúc tiến Thương mại cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu và đánh giá đối tác để phát triển quan hệ đối tác ổn định, tin cậy./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới