Tháo gỡ khó khăn cho công nghệ số
12/03/2025 17:13
Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số trong thời gian qua. Con số về tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số năm 2024 ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019, cho thấy rõ sự tăng trưởng của ngành này.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, lực lượng lao động công nghệ thông tin tuy dồi dào, thực tế chúng ta vẫn thiếu chuyên gia cao cấp, nhân sự có chuyên môn sâu, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu, an ninh an toàn thông tin.
Trong phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 4/3, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ: Việc thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao sẽ là nguy cơ trở thành điểm nghẽn. Việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và phát triển các công nghệ mới chưa được quan tâm đúng mức...
Thực tiễn cho thấy, việc đào tạo và thu hút nhân tài chất lượng cao, có kinh nghiệm có nhiều hạn chế, khiến các doanh nghiệp công nghệ phát triển chậm, phụ thuộc nhiều vào công nghệ nhập khẩu, thậm chí còn gặp khó khăn trong đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm mang tính đột phá.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đối mặt với những thách thức từ các công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft… vốn có lợi thế về tài chính, thương hiệu, công nghệ tiên tiến và hệ sinh thái rộng lớn. Điều này làm cho các sản phẩm công nghệ số Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý thừa nhận, cùng với sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao thì hạn chế về khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) là những cản trở lớn nhất trong phát triển bền vững công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chưa có điều kiện đầu tư mạnh vào R&D, dẫn đến sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, khó tạo ra sản phẩm đột phá và có tính cạnh tranh cao, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ. Vì thế, Nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào R&D để tạo ra công nghệ cốt lõi thay vì chỉ gia công hoặc phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một số giải pháp quan trọng, tập trung giải quyết các thách thức trong phát triển bền vững công nghệ số cần được chú trọng, trong đó có việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để cùng phát triển công nghệ nội địa. Cùng với việc khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nước ngoài đầu tư vào công nghệ số, trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực ngách, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển sản phẩm phù hợp thị trường trong nước và khu vực.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chứng khoán duy trì đà tăng, dư mua giá trần hơn 1,4 triệu cổ phiếu tân binh
Nghị quyết 68: Bước tiến thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá
Lãi suất ngân hàng ngày 13/5: Tám ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 6%
Tỷ giá ngày 13/5: Đồng USD và nhân dân tệ tăng đáng kể
Giá vàng ngày 13/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Năng lượng dẫn đà tăng của thị trường hàng hóa
Lãi suất ngân hàng ngày 12/5: Các ngân hàng có lãi suất từ 6%
Giá vàng ngày 12/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khánh thành nhà máy sữa công suất lớn của TH tại Liên bang Nga
Tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung đẩy giá vàng đi xuống