Thành phố Hồ Chí Minh: Kích cầu giảm giá sâu giúp tăng tổng mức bán lẻ
31/07/2024 13:02
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7/2024, nhiều sở, ngành, với sự hưởng ứng của doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã duy trì và liên tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng tập trung giảm giá sâu, đảm bảo chất lượng và mẫu mã đa dạng nhóm ngành hàng, sản phẩm đã thu hút người dân tham gia mua sắm.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Một số nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng như nhóm lương thực, thực phẩm chiếm 31,3%, tăng 10,6% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 23,9%, tăng 13,2%; nhóm hàng hóa khác chiếm 9,6%, tăng 13,9%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm chiếm 8,5%, tăng 25,1%...
Ghi nhận thực tế trên thị trường cũng cho thấy hầu hết nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh “chạy” luân phiên hoạt động khuyến mãi, áp dụng cho phong phú nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Điển hình, từ nay đến ngày 31/7, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức tập trung khuyến mãi “đậm” giảm 50% trực tiếp giá các sản phẩm tươi sống thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày gồm rau củ quả, thịt các loại, thủy hải sản, trái cây trong khuôn khổ chương trình “Cơm nhà nồng nàn - hương vị ngập tràn.”
Tiếp nối theo hoạt động trên, sẵn sàng bước qua tháng 8/2024, Saigon Co.op cũng công bố triển khai “Lễ hội rau nhiệt đới,” với đa dạng chủng loại như bầu, bí đao, cải bẹ xanh, cải ngọt, dưa leo, đậu bắp, khổ qua, rau muống, mầm cải... được giảm giá từ 20-50%.
Trước đó, ngày 27/7, Saigon Co.op cũng đã đồng loạt đưa 6 cửa hàng bách hóa Co.op Smile vào hoạt động, nâng tổng số cửa hàng Co.op Smile lên con số 108 cửa hàng, cung cấp từ 1.500-2.000 mặt hàng quen thuộc, gần gũi đời sống hằng ngày cho khách hàng trung niên, bà nội trợ và bộ phận khách hàng trẻ thích mua sắm nhanh.
Tương tự, tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Satramart, satrafood, Bách hóa Xanh, MM Mega Market, LOTTE Mart... cũng triển khai đa dạng chương trình ưu đãi dành cho khách hàng; trong đó, tại một số điểm bán lẻ cũng áp dụng chính sách giảm giá sâu lên đến 50%, mua 1 tặng 1... áp dụng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua sơ chế; rau củ, quả...
Về phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, một số thay đổi hành vi tiêu dùng, nhất là xu hướng nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ đang trở thành cơ hội cho đơn vị sản xuất kinh doanh nắm bắt, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Còn ở góc độ người tiêu dùng, chị Trúc Hương, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng trong bối cảnh người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm thì việc ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa nội địa đã dần trở thành thói quen.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đưa ra thị trường sản phẩm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hướng đến thị trường tiêu dùng xanh đã mang lại cơ hội chọn lựa sản phẩm, thương hiệu hơn cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, những người dân khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay việc linh hoạt chính sách kích cầu tiêu dùng và chủ yếu nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, vừa góp phần bình ổn thị trường, vừa đảm bảo nhu cầu thị trường; trong đó, hoạt động ưu đãi cho khách hàng thân thiết, giảm giá sâu sau 19 giờ hàng ngày… khi mua sắm những mặt hàng phục vụ bữa ăn hàng ngày phù hợp với hầu hết nhóm người tiêu dùng và tạo điều kiện cho người dân mua sắm lương thực, thực phẩm chất lượng với giá cả phù hợp.
Hiện tại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra sôi động Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2024, đợt 1 và gắn kết chặt chẽ với chương trình kích cầu du lịch của thành phố.
Đặc biệt, những thời điểm nào mà ngành du lịch thành phố tổ chức hoạt động kích cầu thị trường, thì Sở Công Thương và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn sẽ đồng hành cùng những hoạt động này.
Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2024 vẫn chia làm hai đợt và kéo dài đến cuối năm, nhưng mở rộng nhóm ngành hàng, địa phương lân cận thành phố, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh...
Qua đó, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từng bước hình thành mùa mua sắm thường niên, thu hút sự tham gia của người tiêu dùng, du khách và đơn vị sản xuất kinh doanh./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%