Thách thức bủa vây công cuộc 'xanh hoá' ngành dệt may, da giày
10/11/2024 16:16
Doanh nghiệp dệt may và da giày đang đứng trước nhiều sức ép từ việc các nhãn hàng đòi hỏi khắt khe vấn đề “xanh hóa” sử dụng năng lượng, đảm bảo ít tác động đến môi trường.
Sức ép đòi hỏi phải "xanh hoá"
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho rằng, doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam hiện đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm dệt may được xuất khẩu đến hơn 100 thị trường. Cùng với thị trường rộng mở, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đang chịu “sức ép” phải đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn mới về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 hàng năm, do vậy phải có lộ trình cắt giảm. Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố, các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, trong đó có khoảng gần 100 doanh nghiệp dệt may, da giày phải kiểm kê khí nhà kính để hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Theo ông Lê Xuân Thịnh, không những phải chịu sức ép từ quốc tế, doanh nghiệp còn phải đối mặt với sức ép từ trong nước về chi phí về năng lượng, nhân công, nguyên vật liệu ngày càng tăng. Các doanh nghiệp muốn cạnh tranh được bắt buộc phải sử dụng hiệu quả về năng lượng và nguyên vật liệu để cắt giảm chi phí.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ, khi hội nhập toàn cầu, ngành công nghiệp da giày cần đáp ứng các yêu cầu đối với các tiêu chuẩn bền vững, nhất là đối với doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, nếu trước đây yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu do các nhãn hàng đặt ra, thì đến nay, đã được luật hóa và với ngành công nghiệp da giày, các thị trường chính như Mỹ, EU... đều là những thị trường đòi hỏi khắt khe.
“Thị trường EU cũng bắt đầu đưa ra những yêu cầu về chuyển đổi xanh, đặc biệt là một loạt đạo luật đã được ban hành như đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay đạo luật về chống phá rừng đã được triển khai và sắp tới là hàng loạt các đạo luật mới về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái... Đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với ngành da giày, khi các thị trường Mỹ, EU chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành dệt may, da giày đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Ngành dệt may, da giày đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phải đáp ứng đòi hỏi của các nước phát triển như Mỹ, EU và các nước về “xanh hóa” chuỗi cung ứng.
Về cơ chế cho các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sản xuất xanh hoá, theo ông Nguyễn Văn Hội, Việt Nam có Luật Bảo vệ môi trường, có các nghị định, thông tư liên quan, nhưng phải xây dựng được những tiêu chuẩn cụ thể. Đơn cử như có tiêu chuẩn xanh cho ngành dệt may, hay những tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp dệt may có thể thực hiện được lộ trình. Bên cạnh đó, cần có những khuyến khích về các cơ chế tài chính để doanh nghiệp “xanh hóa” quy trình sản xuất và có những ưu đãi trong quá trình vay vốn, tiếp cận vốn, ưu đãi thuế hoặc được tiếp cận về mặt khoa học công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may thế giới.
Ngoài ra, cần có những hỗ trợ đặc biệt là từ các hiệp hội để có thể xây dựng được đội ngũ nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh. Việc xây dựng đội ngũ này cũng cần được tập huấn, đào tạo liên tục, bởi lực lượng lao động trong ngành dệt may có đặc thù chuyển dịch rõ ràng.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất, Nhà nước cần ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi, xây dựng được hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất. Bởi trong quá trình chuyển đổi xanh hóa, nhiều yêu cầu được đặt ra sẽ gây phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho các doanh nghiệp. Khi có giải pháp tổng thể, các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận được toàn diện và xây dựng được các tiêu chuẩn tuẩn thủ rõ ràng, giúp các doanh nghiệp có cơ sở để nắm bắt, thực thi chuẩn xác.
Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để doanh nghiệp “sản xuất xanh” có thể tiếp cận các nguồn quỹ này thuận lợi, giúp tăng cường tiềm lực, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Những yếu tố đóng góp tích cực cho triển vọng kinh tế Việt Nam 2025
Kinh tế 2025: Năm của 'tăng tốc, bứt phá'
Lãi suất ngân hàng ngày 2/1/2025: Chọn ngân hàng nào để gửi tiền đầu năm?
Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu gạo năm 2025
Logistics Việt Nam tự tin tiến vào kỷ nguyên mới
VPI dự báo giá xăng dầu tăng nhẹ trong kỳ điều hành 2/1/2025
Thành phố Hồ Chí Minh: Sức mua tại nhiều điểm bán lẻ đã tăng từ 30-40%
CEBR: Việt Nam có thể đã lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao
Ngành cơ khí Việt Nam: Dư địa lớn nhưng chưa nhiều "sếu đầu đàn"
Việt Nam có thể đã lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao