Tây Ninh: Thu từ sản xuất nông nghiệp hơn 26 nghìn tỷ đồng

06/01/2020 17:23

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản năm 2019 của tỉnh đạt hơn 26.000 tỷ đồng. Cùng với đó, năm qua, sản xuất nông nghiệp của địa phương đã có chuyển biến, một số mô hình hiệu quả, nâng cao giá trị đơn vị diện tích.

Theo đó, ngành chăn nuôi của Tây Ninh đã có sự chuyển dịch từ phương thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng an toàn sinh học. Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị ngày càng phổ biến như phát triển nhà kính trồng rau, dưa lưới, nhà lưới trồng hoa lan cắt cành… Nhiều kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất như tưới mưa, tưới nhỏ giọt cho cây trồng… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh hàng hoá.

Tại Tây Ninh, thời gian qua đã hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đó là Hợp tác xã Thực phẩm cho mọi nhà trên địa bàn huyện Hoà Thành. Hợp tác xã này đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như trồng rau, trồng dưa lưới trong nhà kính, tưới phun mưa. Những thực phẩm sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được ký kết hợp đồng bao tiêu với nhiều trường học, bếp ăn tập thể. Hợp tác xã cũng đã có sự định hướng đầu ra cho nông sản của nông dân khi được mùa. Chính vì vậy, các xã viên luôn có thu nhập ổn định.

Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh phát triển khá mạnh. Toàn Tỉnh có khoảng 30.000 ha tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, trên 70% trang trại chăn nuôi là trang trại lạnh; nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% giá trị ngành nông nghiệp. Cũng theo ông Võ Đức Trong, tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường nông sản như hiện nay vừa là cơ hội, cũng vừa đan xen thách thức đối ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp Tỉnh tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi; bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm bằng phương thức thay đổi tập quán sản xuất truyền thống; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh với thị trường.

Chính vì vậy, Tỉnh đã xây dựng đề án chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để nghiên cứu, đánh giá lại sản xuất; trong đó, xác định loại cây trồng có lợi thế để duy trì, mở rộng diện tích và có giải pháp khuyến khích. Những cây trồng không lợi thế, kém hiệu quả thì thu hẹp dần. Ðể thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tỉnh Tây Ninh cũng đã đề ra nhiều chính sách cải cách hành chính, thay đổi và hoàn thiện về cơ chế chính sách phù hợp với thực tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng việc nghiên cứu, vận dụng các chính sách của Trung ương đã ban hành vào điều kiện thực tế của Tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng và ban hành một số chính sách mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tỉnh Tây Ninh khuyến khích các hộ sản xuất rau sạch, rau an toàn đi tham quan, học tập mô hình trồng rau công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: K.V) 

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh với mục tiêu tái cơ cấu lại ngành sản xuất, tỉnh đã thu hút gần 30 dự án đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... với tổng số vốn đăng ký đạt gần 2.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh lên gần 60 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. TRong năm 2019, Tây Ninh triển khai quy hoạch 18 vùng sản xuất với diện tích khoảng 17.000 ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu... để phát triển rau quả, cây ăn trái, chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm cung cấp sản phẩm lâu dài theo đơn đặt hàng của các công ty chế biến trái cây như Tanifood, Nafoods, BD HAPIMEX… Qua đó, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất lâu dài giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã ban hành 10 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, 7 chính sách đang còn hiệu lực, 3 trong số các chính sách đã đi vào cuộc sống. Với sự hỗ trợ của ngành chức năng tỉnh Tây Ninh, nhiều nông dân đã liên kết với doanh nghiệp làm ăn lớn, hướng tới hội nhập. Các gương sáng nông dân, doanh nghiệp đi đầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, trồng cây trong nhà lưới… thực hiện thành công chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Tỉnh.

Đặc biệt, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương xứng với tiềm năng, vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2020-2025. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo danh mục dự án theo Nghị quyết, thì sẽ được ngân sách Tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại.

Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tính trên số dư thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư; dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập, thời gian hỗ trợ là 6 năm; dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất theo mức dư nợ thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm xem xét hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án, nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới